Các nhà băng đang làm ăn ra sao trong quý 2?
(DNTO) - Tín dụng tăng trưởng thấp, NIM thu hẹp, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh đã khiến nhiều ngân hàng giảm tốc tăng trưởng trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã hé lộ bức tranh kinh doanh quý 2. Nhìn chung, bức tranh kinh doanh của ngành có sự phân hoá rõ rệt. Trong khi nhiều nhà băng giữ được mức lợi nhuận tốt thì không ít ngân hàng giảm tốc tăng trưởng khi so sánh với cùng kỳ năm ngoái.
Với Ngân hàng TMCP An Bình (mã chứng khoán: ABB), lợi nhuận trước thuế quý 2 chỉ còn 67 tỷ đồng, giảm 95% so với con số 1.086 tỷ đồng của quý 2 năm ngoái. Đáng chú ý, trong quý, ABB đã phải dành gần 700 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro.
Tính chung sáu tháng đầu năm, ABB chỉ thu được gần 679 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm tới 59% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch 2.826 tỷ đồng lãi trước thuế được đặt cho cả năm, ABB mới thực hiện được 24%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay từ mức 2,88% đầu năm tăng lên 4,55%.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã chứng khoán: LPB) có lãi trước thuế giảm 51% so cùng kỳ, còn hơn 880 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này cũng đã giảm 18% xuống gần 526 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế hơn 2.440 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, nợ xấu tăng mạnh lên 5.656 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 5. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 2,23% từ mức 1,46% cùng kỳ.
Theo lý giải của nhà băng, việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay, giảm phí, lệ phí cho khách hàng và trong bối cảnh lãi suất đầu vào huy động tăng cao đã làm giảm thu nhập lãi của ngân hàng so với cùng kỳ.
Ngoài ra có thể kể đến, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, mã chứng khoán: BAB) lãi trước thuế gần 139 tỷ đồng trong quý, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,55% đầu năm lên 0,7%; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mã chứng khoán: TPB) có lãi trước thuế đạt hơn 1.600 tỷ đồng giảm 25% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những nhà băng có sự giảm sút về lợi nhuận, nhiều nhà băng lại ghi nhận sự vượt trội. Sacombank ghi nhận hơn 2.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 80% so với cùng kỳ, tính chung nửa đầu năm đạt 4.755 tỉ đồng, tăng 63% so cùng kỳ, đạt 50,1% kế hoạch. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB) có lợi nhuận trước thuế hơn 2.000 tỷ đồng tăng 10% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của VCBS, nếu tính chung cho cả năm 2023, lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ giảm với tốc độ tăng trưởng đạt chỉ khoảng 10%. Những ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ có thể ghi nhận suy giảm mạnh hơn. Lợi thế vẫn thuộc về những nhà băng có tệp khách hàng tốt và nguồn lực chất lượng.
Nợ xấu vẫn là vấn đề lớn của ngành ngân hàng đến từ sự đóng băng của thị trường bất động sản, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và người vay tiền có xu hướng yếu đi trong môi trường lãi suất cao. Áp lực trích lập dự phòng được cho sẽ còn cao dần trong nửa còn lại của năm nay.
Theo đánh giá của VCBS, rủi ro sẽ thuộc về những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp.