Ảnh hưởng của các cuộc tấn công từ Houthi đến vận chuyển hàng hóa toàn cầu

(DNTO) - Ảnh hưởng của các cuộc tấn công từ Houthi đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong ngành vận tải biển, dẫn đến tăng chi phí vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu.

Bản đồ cho thấy sự thay đổi của các chuyến tàu vận tải đi từ châu Á đến châu Âu, diễn ra sau khi các cuộc tấn công từ Houthi bắt đầu. Ảnh: NYT - Việt Hóa: Xuân Hạo
Một cuộc dịch chuyển đặc biệt đang xảy ra: Hàng trăm tàu vận tải trên biển đang né tránh Kênh đào Suez và đi vòng 4.000 dặm quanh châu Phi, kéo dài hành trình hơn 10 ngày cho mỗi hướng, đốt thêm nhiên liệu, đẩy chi phí lên cao.
Những con tàu này đang né tránh một trong những cung đường vận chuyển quan trọng nhất thế giới: Biển Đỏ, nơi mà lực lượng quân sự Houthi, được hậu thuẫn bởi Iran, đã liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) và tên lửa.
Houthi cho biết họ tìm cách quấy rối con đường vận chuyển hàng hóa cho Israel để buộc quốc gia này ngừng chiến dịch quân sự tại dải Gaza. Nhưng đã có rất nhiều tàu vận chuyển hàng hóa thuộc các quốc gia khác bị tấn công, và một đại diện Houthi cho biết “Tất cả tàu Mỹ và Anh Quốc” đều được xem là mục tiêu tấn công.
Biến động này đã tạo ra ảnh hưởng sâu rộng. Trong hai tuần đầu tháng 1, đã có khoảng 150 tàu thuyền đi qua Kênh đào Suez, nằm phía Tây Bắc của Biển Đỏ. Con số này đã thuyên giảm rất nhiều so với mức 400 của cùng kỳ năm ngoái. Cuộc vận chuyển đi vòng vẫn tiếp tục diễn ra dù Mỹ và đồng minh đã tiến hành nhiều cuộc không kích đáp trả phe Houthi.
Điều này buộc các hãng vận chuyển hàng hóa phải tăng gấp ba lần chi phí cho kiện hàng đi từ châu Á đến châu Âu, một phần là để chi trả cho chi phí đi vòng qua châu Phi. Trong khi đó các chủ tàu, hầu hết là tàu chở dầu, vẫn còn bám víu đến đường vận chuyển qua Biển Đỏ lại phải đối mặt với chi phí bảo hiểm tăng cao.
Mức phí vận chuyển kiện hàng chưa tăng đến mức kỷ lục của thời kỳ đại dịch Covid, nhưng các hãng bán lẻ như Ikea đã cảnh báo việc né tránh Kênh đào Suez sẽ dẫn đến chậm trễ trong tiến trình bày bán hàng hóa. Nhiều nhà máy sản xuất xe hơi tại châu Âu đã phải tạm hoãn hoạt động trong khi chờ đợi linh kiện nhập từ châu Á.

Chi phí vận tải tăng cao, so sánh khủng hoảng do các cuộc tấn công từ Houthi và đỉnh điểm của dịch Covid. Ảnh: NYT - Việt hóa: Xuân Hạo
Để thấy được ảnh hưởng của hiện tượng này, ta có thể theo dõi một tàu chở hàng mang cờ Singapore, Maersk Hong Kong. Con tàu này bắt đầu đi từ Singapore đến Slovenia vào 15/11. 12 ngày sau, con tàu này đến cảng Said, Ai Cập, sau khi đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez. Nhưng khi thực hiện chuyến hành trình quay trở về Singapore, con tàu đã phải quay ngược đi vòng qua châu Phi và mất 1 tháng để hoàn tất.
Biển Đỏ và Kênh đào Suez đã ngày càng trở nên quan trọng hơn trong vòng hai năm qua, đóng vai trò không chỉ là một tuyến đường vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu mà còn là một tuyến đường cho dầu hỏa và khí đốt.
Các quốc gia châu Âu đã ngừng mua nhiên liệu từ Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine diễn ra vào 2022. Vì thế Nga tăng cường vận chuyển dầu hỏa qua Kênh đào Suez, hầu hết đến Ấn Độ, trong khi châu Âu tăng mức mua khí đốt từ Trung Đông, cũng được vận chuyển qua kênh đào này.
Có khoảng 12% dầu hỏa trên toàn thế giới được vận chuyển qua Biển Đỏ bằng tàu chở dầu, và cũng có con số tương tự cho lượng khí đốt đi qua khu vực - theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ.
Mặc dù chưa có trường hợp tử vong hoặc bị thương nào được xác nhận từ các cuộc tấn công của Houthi nhưng một số tàu đã bị hư hại. Một hãng vận tải ô tô, Galaxy Leader, đã bị cướp tàu vào tháng 11 và đưa tới Yemen. Phi hành đoàn gồm 25 thành viên, chủ yếu là người Philippines, đã bị giam giữ ở đó.
Hải quân Mỹ đã bắn hạ nhiều máy bay không người lái và tên lửa trước khi chúng kịp tiếp cận mục tiêu, ngăn ngừa thiệt hại nghiêm trọng cho các tàu thương mại. Nhưng chi phí là rất cao cho Mỹ và các đồng minh để sử dụng máy bay chiến đấu và các khí tài quân sự khác để bảo vệ con đường vận tải đông đúc này.
Lập trường của Trung Quốc, một cường quốc hàng hải, vẫn là một câu hỏi lớn cho khủng hoảng ở Biển Đỏ. Bắc Kinh tránh chỉ trích lực lượng Houthi và không tham gia vào các hành động quân sự. Các cuộc tấn công của Houthi đã trì hoãn sự gia tăng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc trước khi các nhà máy của nước này ngừng hoạt động vào tháng tới để nghỉ Tết Nguyên đán.