Ấn Độ và tham vọng xây dựng hệ thống nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới
(DNTO) - Chính phủ Ấn Độ đang nuôi tham vọng xây dựng hệ thống nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới, để trong tương lai cảnh sát từ 29 bang và 7 lãnh thổ liên minh của nước này sẽ có quyền truy cập vào một cơ sở tập trung duy nhất, dữ liệu quốc gia.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt nếu được triển khai ở một đất nước dân số chừng vài chục triệu người có lẽ sẽ không phải là một bài toán quá khó, nhưng đối với Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ nhì thế giới với hàng tỷ người, đó hẳn phải là một kỳ công. Tuy nhiên, đất nước sông Hằng quyết làm cho được, tất cả là vì lý do an sinh nội địa.
Phải thực hiện vì quyền trẻ em
Là nhà hoạt động nhân quyền bảo vệ lao động trẻ em, Bhuwan Ribhu đang làm việc cho tổ chức phi chính phủ Ấn Độ Bachpan Bachao Andolan. Cách đây 7 tháng, anh đã dựa vào cơ sở dữ liệu của cảnh sát, trong đó có chứa hình ảnh của tất cả trẻ em mất tích ở Ấn Độ, để so sánh chúng với ảnh của toàn bộ trẻ vị thành niên hiện sống trong các cơ sở chăm sóc thiếu nhi của nước này.
Kết quả thu được là có đến 10.561 trẻ được cho là mất tích theo hồ sơ lưu ở sở cảnh sát thực sự lại đang sống trong những cơ sở giáo dục của quốc gia. Vấn nạn trẻ bị mất tích tại xứ Ấn bị quốc tế lên án lâu nay đã được giải oan phần nào nhờ cố gắng đóng góp của công nghệ so sánh nhân dạng khuôn mặt mà anh Bhuwan Ribhu đã thực hiện được, dù tất khiêm tốn.
Theo Ribhu, hầu hết số trẻ em bị mất tích đều đã từng là nạn nhân của bọn buôn người, bị ép làm việc trên cánh đồng, trong các xưởng may mặc hoặc phục vụ ở nhà chứa. Khó khăn là Ribhu chỉ có thể khớp được số liệu nhỏ nhoi theo cách thủ công nên nỗi trăn trở về quyền lao động trẻ vẫn khó giải quyết chóng vánh.
Xác định vị trí hàng nghìn thiếu nhi mất tích chỉ là một trong những thách thức mà lực lượng cảnh sát quá tải của Ấn Độ phải đối mặt tại quốc gia 1,37 tỷ dân. Tính ra cả nước chỉ có 144 cảnh sát/100.000 công dân/ so với 318/100.000 công dân ở Liên minh châu Âu. Để giải bài toán khó này, trong những năm gần đây, các nhà chức trách đã tìm cách chuyển sang công nghệ nhận dạng khuôn mặt để bù đắp cho sự thiếu hụt lực lượng chuyên trách rà soát đối chiếu hình ảnh.
Là biện pháp hiệu quả bổ sung để đối phó tội phạm
Từ năm 2018, các cơ quan thực thi pháp luật của New Delhi đã áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Nó cũng được cảnh sát và lực lượng an ninh của các sự kiện lớn sử dụng để chống tội phạm ở một số bang khác, bao gồm Andhra Pradesh và Punjab. Nhưng từng ấy chưa đủ, chính phủ Ấn Độ hiện có một kế hoạch tham vọng hơn nhiều.
Họ muốn xây dựng dự án trở thành một trong những hệ thống nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới để trong tương lai tất cả cảnh sát của 29 bang và 7 lãnh thổ liên minh của đất nước sẽ có quyền truy cập vào một cơ sở dữ liệu tập trung duy nhất, đó là cơ sở dữ liệu quốc gia. Kế hoạch sẽ là đối chiếu hình ảnh từ mạng lưới camera quan sát ngày càng tăng của quốc gia với cơ sở dữ liệu tổng thể đã có, bao gồm ảnh chụp tội phạm, ảnh hộ chiếu và hình ảnh do các cơ quan như Bộ Phụ nữ và Phát triển Trẻ em thu thập.
Nền tảng này cũng sẽ cho phép tìm kiếm dựa trên các bức ảnh được tải lên từ báo chí, do công chúng gửi đến hoặc bản phác thảo của nghệ sĩ ký họa hình sự về những tên tội phạm bị nghi ngờ. Hệ thống cũng sẽ nhận dạng khuôn mặt trên các camera mạch kín và phát cảnh báo nếu tìm thấy một kết quả trùng khớp trong danh sách đen.
Lực lượng an ninh sẽ được trang bị thiết bị di động cầm tay, cho phép chụp khuôn mặt tại hiện trường và ngay lập tức dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia để truy xuất thông qua một phần mềm chuyên dụng. Nền tảng nhận dạng khuôn mặt mới này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra kết quả chính xác tối đa khi xác định tội phạm, người mất tích hay thi thể. Nó cũng sẽ giúp lực lượng cảnh sát phát hiện sớm các nhóm tội phạm liên đới và hỗ trợ trong việc ngăn chặn phạm pháp. Tỷ lệ tội phạm của Ấn Độ đặc biệt cao ở các khu vực nghèo nằm rải rác giữa các trung tâm đô thị. Năm 2016, có trên 700 vụ vi phạm trên 100.000 người ở 19 thành phố lớn, so với mức trung bình của cả nước là 379,3.
Dự án mang tầm quốc tế
Cho đến nay số lượng các công ty đã nộp hồ sơ dự thầu để lắp đặt hệ thống nhận dạng khuôn mặt quốc gia của Ấn Độ vẫn chưa được gút lại. Khoảng 80 đại diện của các nhà cung cấp đã tham gia cuộc họp trước khi đấu thầu diễn ra tại văn phòng Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia ở Delhi vào cuối tháng 7 năm ngoái. Để đủ điều kiện tham gia đấu thầu, một công ty phải hoàn thành ít nhất ba dự án nhận dạng khuôn mặt tầm mức quốc tế và có trụ sở tại Ấn. Điều khoản này xem ra đã khiến phần lớn các công ty Ấn Độ bị loại. Thế nên nhà thầu thành công rất có thể sẽ là một liên danh bao gồm một công ty nước ngoài và một đối tác địa phương. Các tên tuổi lớn như IBM (IBM), Hewlett-Packard Enterprise (HPE) và Accenture (ACN) đều thể hiện sự quan tâm.
Nhưng dư luận đang e ngại việc để một công ty nước ngoài thành lập một bộ phận quan trọng trong cỗ máy nhạy cảm của Ấn Độ có thể gây ra các vấn đề an ninh quốc gia. Nỗi lo này là có thật. Bởi cách đây ba năm, một cuộc tranh cãi đã nổ ra khi Ajay Maken, một chính trị gia đối lập ở New Delhi, cáo buộc chính quyền địa phương đã trao hợp đồng cung cấp gần một nửa số camera CCTV mà họ dự định lắp đặt ở thủ đô cho Prama Hikvision., một liên doanh giữa công ty Trung Quốc Hikvision và công ty Ấn Độ Prama Technologies, với lý do tiềm ẩn nguy cơ gián điệp.
Rào cản thử thách về công nghệ
Các chuyên gia đang nghi ngờ liệu Ấn Độ có thể thực hiện một dự án đầy tham vọng như vậy trong một thời gian ngắn hay không. Bởi theo lời kêu gọi đấu thầu, hệ thống dự kiến sẽ hoạt động trong vòng chưa đầy 8 tháng sau khi hợp đồng được ký kết. Đây quả là một thách thức về mặt công nghệ. Cái khó không phải là tạo nền tảng tập trung. Vì Ấn Độ đã có sẵn một cơ sở dữ liệu quốc gia đầy đủ hình ảnh về tất cả các tội phạm bị truy tố trong nước, lại được cập nhật thường xuyên bởi các cơ quan thực thi pháp luật ở các bang. Chỉ cần được kết nối với hệ thống CCTV toàn quốc là mọi sự sẽ khả thi. Điều đó đã được chứng minh ở New Delhi.
Tuy nhiên, vấn đề gai góc nhất chính là việc trang bị cho đủ lượng camera giám sát cho từng ấy bang, đặc biệt là những chủng loại máy quay phim ghi hình tiên tiến tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Cứ nhìn vào thống kê hiện nay sẽ thấy, Ấn Độ đang tụt hậu so với các nước khác về số lượng camera an ninh được lắp đặt. New Delhi có 10 camera quan sát/1.000 dân, so với 113 ở Thượng Hải và 68 ở London. Con số này còn thấp hơn nhiều ở các vùng nông thôn, nơi sinh sống của 66% dân số cả nước, thậm chí nhiều ngôi làng không có lấy một camera giám sát.
Dự án này còn giúp hỗ trợ bảo vệ sự an toàn của phụ nữ ở các thành phố lớn, nơi trong những năm gần đây là địa điểm của một số vụ tấn công tình dục nổi tiếng.