70% môi giới bất động sản trở lại thị trường: Bài toán nâng tầm để phù hợp với thực tiễn
(DNTO) - Sau kỳ ngủ đông dài hạn, những tháng gần đây, nhiều môi giới bất động sản đã ồ ạt trở lại thị trường đón sóng hồi. Tuy nhiên, theo chuyên gia, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua báo hiệu đã hết thời “mua dễ, bán dễ”, buộc môi giới phải có chiến lược để sinh tồn trong bối cảnh mới.
Thị trường bất động sản “đóng băng” thanh khoản vào giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023, khiến môi giới bỏ nghề ồ ạt, nhiều doanh nghiệp và sàn giao dịch cũng phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, khi thị trường ấm lên, không ít môi giới tiếp tục quay trở lại và đầu quân cho các công ty bất động sản đang cần tuyển dụng nhân sự.
Theo kết quả khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý 1/2024, cùng với sự trở lại của phía cung và phía cầu, trung gian kết nối giao dịch cũng đã sẵn sàng tái nhập cuộc, 20-30% môi giới bất động sản rời thị trường trong thời gian trước đó đã quyết định tái nhập cuộc. Và 70-80% các sàn giao dịch cũng đã sẵn sàng "nhóm lửa" trở lại.
Ngày 2/5 trong báo cáo thị trường tháng 4/2024 của DXS - FERI cũng chỉ ra, dù tỷ lệ môi giới bất động sản chuyển ngành từng trên mức 30%, nhưng tại thời điểm khảo sát quý 1/2024 có 13% môi giới bỏ việc đã quay lại ngành và 55% môi giới bỏ việc dự kiến sẽ tham gia vào thời gian tới.
“Tỷ lệ nhân sự ở lĩnh vực bất động sản được đánh giá thuộc nhóm những ngành phục hồi nhanh, bao gồm cả nhân sự môi giới và nhân sự chuyên môn nghiệp vụ, do số lượng doanh nghiệp bất động sản dần tăng lên”, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng DXS-FERI, cho biết.
Thực tế, trên các sàn môi giới hiện nay đang rầm rộ khởi động cuộc đua săn lùng nhân sự với nhiều hoạt động cạnh tranh bằng những chế độ, mức lương cứng cùng hoa hồng hấp dẫn, nhằm mục đích tăng quy mô để có đủ nguồn lực giúp mở rộng thị trường và thị phần.
Theo chuyên gia DXS-FERI, các công ty môi giới nhà đất lớn vẫn tiếp tục đăng thông báo tuyển dụng từ hàng trăm đến hàng ngàn nhân viên, để sẵn sàng “đón sóng” tăng trưởng mới của thị trường. Dự đoán khoảng từ quý 2/2024, việc này sẽ trở nên sôi động. Còn từ năm 2025 trở đi, thị trường sẽ bùng nổ trong việc thành lập doanh nghiệp có chức năng môi giới bất động sản.
Đã qua thời 'mua dễ, bán dễ'
Môi giới đang sẵn sàng cho chu kỳ mới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác tuyển dụng hiện nay là tìm kiếm được đội ngũ nhân sự lành nghề và có thể trụ lại với nghề. Bởi sau giai đoạn suy thoái lần này, không chỉ thị trường bất động sản và người mua nhà thay đổi, mà cả đội ngũ kinh doanh cũng cần thay đổi để thích nghi.
Thống kê từ VARS cho thấy, số lượng người làm môi giới môi giới vào giai đoạn đỉnh điểm có khoảng 300.000 người, thế nhưng phần lớn hoạt động thiếu chuyên nghiệp, tự phát, nên dễ gặp rủi ro và đẩy người tiêu dùng rơi vào cảnh “đem con bỏ chợ”, thậm chí gây ra tình trạng bát nháo trên thị trường.
Theo chuyên gia, với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được thông qua có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2025, môi giới địa ốc sẽ đối diện với nhiều áp lực hơn, khi bên cạnh chứng chỉ hành nghề thì cần có công ty quản lý.
Cụ thể, Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, có quy chế hoạt động dịch vụ, cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu... đồng nghĩa, kể từ nay, môi giới bất động sản hết thời tự do hành nghề, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng những môi giới “tay ngang” lộng hành, lợi dụng cơ hội để lừa đảo, trục lợi bất chính, góp phần giúp thị trường bất động sản vận hành an toàn, minh bạch.
"Những yêu cầu chặt hơn về pháp lý, đặc biệt là tâm lý thận trọng vẫn đang bao trùm giới đầu tư cá nhân được dự báo sẽ là nhân tố khiến khó khăn của những người làm nghề môi giới khó qua trong ngắn hạn", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS thừa nhận.
Ở phía ngược lại, theo chuyên gia, khi đã “siết” các môi giới nhà đất vào Luật, các cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm trong việc xây dựng lộ trình nâng tầm cho các môi giới hoặc những người có mong muốn hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.
Dưới góc nhìn của người từng nhiều năm hoạt động thực tiễn trong ngành cũng như giữ vai trò nghiên cứu và đào tạo, ông Trần Xuân Lượng, Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam - (VARS) cho rằng, để nâng tầm môi giới, cần thiết kế, cập nhật mới các chương trình đào tạo từ cơ bản tới chuyên sâu, bao gồm kiến thức về pháp luật, kinh tế, xây dựng… cũng như thị trường địa ốc, đặc biệt là kiến thức về định giá bất động sản để có thể xác định đúng giá trị của bất động sản, bên cạnh thành thạo các quy trình giao dịch, kỹ năng giao tiếp và đàm phán…
Ông Lượng dẫn chứng, một thị trường có nền tảng thể chế tương tự Việt Nam là Trung Quốc. Đây là thị trường rất lớn và phát triển với sự tăng trưởng nhanh chóng của các “siêu” đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến... Thời gian qua, chính sách về bất động sản của Chính phủ Trung Quốc có nhiều thay đổi để kiểm soát giá nhà và ngăn chặn các rủi ro, chẳng hạn người làm nghề môi giới phải đủ 18 tuổi trở lên, trình độ văn hóa trên phổ thông trung học, trước khi hành nghề phải trải qua các kỳ thi sát hạch và huấn luyện về kỹ năng...
"Cứ 2 năm, các cơ quan quản lý giao dịch bất động sản cấp quận, huyện hay cục quy hoạch đất đai sẽ tiến hành kiểm tra những người đã có chứng nhận nghề môi giới theo quy định. Nếu có bất kỳ lỗi gì hay không tham gia kỳ kiểm tra mà không có lý do chính đáng sẽ không được tiếp tục hành nghề. Môi giới phải luôn nâng cấp kiến thức phù hợp với mọi thời điểm để có chỗ đứng trong nghề nếu không muốn bị đào thải sau mỗi kỳ kiểm tra", vị chuyên gia nhấn mạnh.