Xuất khẩu sang khu vực Á-Âu chưa tận dụng được nhiều lợi thế của các FTA
(DNTO) - Việt Nam và các nước Á-Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ hợp tác vững chắc, làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương. Các FTA thế hệ mới là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Á-Âu hợp tác trong những lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Thị trường Á - Âu là thị trường rộng lớn gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á, với dân số 410 triệu người. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khă do ảnh hưởng của đại dịch covid-19, nhưng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và khu vực Á - Âu 11 tháng năm nay vẫn tăng trưởng mạnh, với mức hơn 10%. Đây là thị trường truyền thống của Việt Nam trước đây và hiện nay là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa. Tuy nhiên, các bộ ngành và doanh nghiệp nước ta cần có cách tiếp cận phù hợp hơn để nắm bắt cơ hội xuất khẩu sang thị trường này.
Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khu vực Á-Âu như: Thủy sản, rau quả tươi, chế biến hàng điện tử, linh kiện điện tử, dệt may, đồ gỗ, da giày. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các mặt hàng này của Việt Nam cơ bản đều là những mặt hàng thiết yếu, có giá cả hợp lý, phục vụ số đông người tiêu dùng. Đơn cử như tại thị trường lớn nhất khu vực là Liên bang Nga, người dân Nga ngày càng yêu thích món ăn của Việt Nam.
Hiện nay tại Thủ đô Moscow và các thành phố lớn, đã có khoảng 900 hàng, quán bán các món ăn Việt như phở, nem, cơm và các loại trái cây. Một lợi thế khác khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga là tại quốc gia này có rất nhiều doanh nhân đang sinh sống và làm việc, có kinh nghiệm và luôn tìm tòi hướng đi mới để mở rộng thị trường.
Song, các doanh nghiệp, hợp tác xã phải sản xuất được các sản phẩm có chất lượng tốt, đầu tư vào công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết: “Vừa qua, Liên minh kinh tế Á-Âu đã đưa 76 nước, trong đó có nhiều nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về xuất khẩu hàng hóa vào Nga và Liên minh ra khỏi danh sách được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập của khối. Như vậy là các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh và Nga được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do. Sau 5 năm, phần lớn các sắc thuế đã về 0%. Trong khi đó hàng hóa các nước khác vào khu vực này sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu thông thường. Đây cũng là một lợi thế nữa cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào Nga và Liên minh, đặc biệt là với mặt hàng nông, lâm, thủy sản”.
Việt Nam và các nước Á-Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ hợp tác vững chắc, làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm 2 Hiệp định Thương mại tự do là Hiệp định với Liên minh kinh tế Á-Âu và Hiệp định với Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Á-Âu hợp tác trong những lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Tham tán Thương mại tại Cộng hòa Séc kiêm nhiệm Slovakia cho biết, Cộng hòa Séc là một trong 10 nước sản xuất và xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Công nghệ và chất lượng ô tô của Séc đều theo tiêu chuẩn châu Âu, lại có giá cạnh tranh, là cơ hội để thúc đẩy hợp tác ngành công nghiệp phụ trợ và lĩnh vực cơ khí đang có nhiều tiềm năng. Mặc dù vậy, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa 2 nước vẫn gặp nhiều khó khan.
“Vấn đề logistics cũng như vận chuyển gần đây rất nhức nhối. Vừa qua có hãng Bamboo Airways muốn mở đường bay trực tiếp sang Séc. Điều này được Chính phủ Séc cũng như các doanh nghiệp mong đợi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhất là dịch bệnh nên việc mở đường bay thẳng vẫn chưa được thực hiện. Tôi kiến nghị Chính phủ với các cơ quan và các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để hãng này mở đường bay thẳng. Cũng kiến nghị phía Cộng hòa Séc tạo thuận lợi hơn về cơ chế visa cũng như cơ chế lao động để tiếp nhận nhiều hơn lao động Việt Nam, vì nếu không có người đi lại thì không thể mở đường bay thẳng” - bà Nguyễn Thị Hồng Thủy nói.
Ông Đỗ Xuân Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Mareven Food Central, một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tiêu dùng hàng đầu khu vực Đông Âu cho rằng, hiện nay, kênh phân phối hàng hóa hiện đại tại các nước Đông Âu đang phát triển rất nhanh thay thế cho kênh phân phối truyền thống. Cách tiếp cận của doanh nghiệp đối với hai hệ thống phân phối này đang có nhiều khác nhau, nếu doanh nghiệp của Việt Nam không có sự chuẩn bị tốt thì sẽ rất khó đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại này.
Ông Đỗ Xuân Hoàng chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam khi vào thị trường lần đầu nên tiếp cận hệ thống phân phối có quy mô nhỏ hơn ở địa phương, sau một thời gian, khi đã hiểu biết sâu về thị trường, có dòng hàng ổn định, điều chỉnh được sản phẩm cũng như giá thành phù hợp, lúc đó mới quay lại đàm phán với hệ thống phân phối lớn.
“Chúng ta có phân phối trực tiếp hay làm gia công thì cũng cần có cơ sở sản xuất tại chỗ, hoặc ít nhất cũng cần cơ sở kho bãi. Với yêu cầu của các hệ thống phân phối mới hiện giờ thì yếu tố chính xác về thời gian, hàng hóa là rất cần thiết. Trong khi đó nếu những đơn hàng có thời hạn đặt rất xa, 3-4 tháng mới có hàng thì sẽ thường xuyên rơi vào cảnh sai hợp đồng và bị phạt, ảnh hưởng lớn đến quan hệ với các hệ thống phân phối này” - ông Đỗ Xuân Hoàng nói.
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh, nhưng 11 tháng năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam với khu vực Á-Âu vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng với 12,7 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tổng nhu cầu nhập khẩu khoảng 1.345 tỷ USD của các nước trong khu vực này.
Thời gian tới, việc tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu và Liên minh châu Âu sẽ là động lực thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại công nghiệp giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Á-Âu nói chung và các nước trong khu vực Đông Âu và Trung Á nói riêng.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết: “Với vai trò là cơ quan đầu mối các hoạt động hợp tác song phương và đa phương, Bộ Công thương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp. Thông qua các cơ chế ủy ban hỗn hợp, ủy ban liên chính phủ, tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản để thiết lập các khung khổ pháp lý thuận lợi cho thương mại, đầu tư. Tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, đối thoại, trao đổi thông tin với các thịt rường, với các địa phương và doanh nghiệp”.
Để tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, theo phân tích của các chuyên gia, các doanh nghiệp cần chủ động khảo sát thị trường, tham gia nhiều hơn triển lãm chuyên ngành tại các nước sở tại. Một trong những vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu sang thị trường này chính là lựa chọn logistics hiệu quả.
Trong bối cảnh chi phí vận tải biển ngày một tăng, vận tải hàng không chi phí cao, thì vận tải bằng đường sắt ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Với thời gian vận chuyển ngắn hơn nhiều so với vận tải bằng đường biển, chi phí ngày càng phù hợp khi lượng hàng hóa gia tăng, tính ổn định và an toàn cao, vận chuyển hàng hóa thông qua tuyến đường sắt Á - Âu sẽ là một trong những lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước Á - Âu.