Xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp nhiều lợi thế, nhưng vẫn tiềm ẩn bất lợi
(DNTO) - Chất lượng ổn định, nguồn cung dồi dào, thị trường ổn định...; xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có nhiều lợi thế, nhưng vẫn tiềm ẩn bất lợi.
Giá gạo Việt Nam cao nhất do chất lượng gạo vượt trội
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), dù tổng khối lượng gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 2,7 triệu tấn với giá trị 1,48 tỉ USD, giảm 11,3% về khối lượng và giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam đang nhiều lợi thế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Trên thị trường thế giới, trong tháng 5.2021, giá gạo Việt Nam đạt 493 USD/tấn vào đầu tháng và giữ nguyên mức này. Hiện nay nhu cầu mua của các thương nhân nước ngoài không lớn và đang chờ đợi vụ thu hoạch hè thu.
Giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 374 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã tăng nhẹ vào gần cuối tháng với mức khoảng 382 USD/tấn.
"Dịch COVID-19 đang khiến cho Ấn Độ rơi vào khủng hoảng lớn, hoạt động logistics bị đình trệ khiến giá gạo tại Ấn Độ đang trở nên bất ổn, bất chấp việc Chính phủ nước này đang cố gắng mở kho dự trữ để cung ứng lương thực tốt hơn cho người dân bị ảnh hưởng" - TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, phân tích.
Giá gạo Thái Lan đạt mức 480 USD/tấn vào đầu tháng và giảm xuống 465 USD/tấn vào gần cuối tháng, nguyên nhân chính là do nhu cầu của thương nhân nước ngoài đối với gạo Thái Lan đang rất thấp, trong khi nguồn cung nội địa khá dồi dào.
Cẩn trọng với những yếu tố bất lợi
Theo Bộ NNPTNT, trong thời gian tới, triển vọng nhu cầu thị trường đối với xuất nhập khẩu lúa gạo vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đưa ra nhận định: Xuất khẩu gạo của nước ta dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn 20USD/tấn so với giá gạo Thái Lan và hơn 100USD/tấn so với gạo Ấn Độ.
Bên cạnh đó, một yếu tố bất lợi khác là mới đây, để đảm bảo an ninh lương thực và giảm lạm phát, Philippines đã xoá bỏ sự chênh lệch về mức thuế giữa nhập khẩu từ ASEAN, ngoài ASEAN và MFN (nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (tiếng Anh: Most Favoured Nation, viết tắt: MFN, được hiểu là nếu một nước dành cho một nước thành viên một sự ưu đãi nào đó thì nước này cũng sẽ phải dành sự ưu đãi đó cho tất cả các nước thành viên khác - PV) phần còn lại với mục tiêu tăng nhập khẩu gạo rẻ hơn từ Ấn Độ và Pakistan.
Việc các quốc gia khác cũng được hưởng mức thuế suất 35% làm Việt Nam mất đi lợi thế về thuế suất, bởi trước đó, trong khi nhập khẩu gạo từ các nước nói trên phải chịu mức thuế 50% (trong hạn ngạch) và 40% (ngoài hạn ngạch), thì gạo Việt Nam được hưởng mức thuế 35% - tương đương mức thuế hiện tại mà Philippines giảm xuống trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 30.5.2021.
"Nếu mức thuế cùng giảm về 35%, thì tất cả các nước đều được hưởng mức thuế này ngang nhau, Việt Nam mất đi cơ hội cạnh tranh" - ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, nêu ý kiến.
Tuy nhiên, nhiều thương nhân xuất khẩu gạo vẫn tin tưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam, ưu thế vẫn áp đảo những yếu tố bất lợi.