VNG đang có gì trước kế hoạch đặt chân lên thị trường Mỹ?
(DNTO) - VNG Limited, cổ đông của VNG, chính thức thông báo về việc đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), dự kiến tham gia IPO tại sàn Nasdaq với mã giao dịch VNG.
Sau VinFast, VNG đang từng bước tiến gần hơn với sàn chứng khoán Mỹ. Sự việc còn cần thêm thời gian trước khi có kết quả cuối cùng, tuy nhiên đây cũng là một thông tin tích cực, thể hiện khát khao bước ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp này.
Dù vậy, trái với VinFast khi đã có bệ đỡ từ VinGroup, chặng đường của VNG xem ra còn khá nhiều thách thức.
Bài toán kinh doanh ảm đạm
Kể từ quý 4 năm 2021, Công ty cổ phần VNG (UPCoM: VNZ) chìm trong nhiều quý thua lỗ liên tiếp. Quý 4/2021, lợi nhuận sau thuế VNG lỗ hơn 282 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đó cũng lỗ tới 223 tỷ đồng. Kể từ đó, VNG chìm trong 5 quý liên tục không thể thu về một đồng tiền lãi nào. Mức lỗ cao nhất trong quý 4/2022, tới gần 550 tỷ đồng.
Đáng chú ý dù doanh thu tăng cao, lên đến trên 2 ngàn tỷ đồng nhiều quý, tuy nhiên với việc giá vốn bán hàng và dịch vụ tăng cao, cộng với phần thua lỗ trong các công ty liên kết đã bào mòn lợi nhuận của VNG trong thời gian dài.
Chỉ đến quý 2 năm nay, trong báo cáo mới công bố, VNG đang cho thấy tình hình có phần khá hơn khi cả quý doanh nghiệp có tới 2,2 ngàn tỷ đồng doanh thu, thu về 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi quý 1/2023 lỗ tới gần 380 tỷ đồng.
Hiện tại, các khoản nợ của VNG đang tăng khá mạnh khi tính từ đầu năm đến nay với khoản vay ngân hàng lên tới hơn 1.193 tỷ đồng vào cuối kỳ, tăng 168% so với đầu năm chỉ với hơn 444 tỷ đồng. Chi phí tài chính doanh nghiệp tăng 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 83 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay quý 2 đã hơn 22 tỷ đồng, trong khi đầu năm chưa xuất hiện con số nào.
Tính đến 30/6, nợ phải trả của doanh nghiệp đã trên 4.503 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 3.284 tỷ đồng, chiếm gần 75%, trong khí đó nguồn vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng, đang cho thấy áp lực không nhỏ với VNG.
Cũng theo doanh nghiệp, VNG đang dồn lực khá nhiều cho Trung tâm Dữ liệu và sản xuất phần mềm, vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư cho tài sản cố định.
Và theo VNG, việc tiết giảm chi phí quảng cáo và sự thành công của trò chơi mới đã hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của họ. Tuy nhiên, kết quả trên là khá ảm đạm với Kỳ lân VNG. Dù vậy, cổ phiếu VNZ của VNG vẫn nhận được hiệu ứng tích cực. Tính từ khi lên sàn đến nay, VNZ đã tăng hơn 400% và tăng gần 60% trong ba tháng gần đây.
VNG Limited là ai?
Được biết, VNG Limited là công ty nước ngoài có trụ sở tại quần đảo Cayman (Cayman Islands), còn được mệnh danh là Thiên đường Thuế, quốc gia cung cấp dịch vụ ngân hàng cho cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài, giúp họ không phải trả thuế thu nhập ở quốc gia họ cư trú.
VNG Limited thành lập vào tháng 4/1022, có liên quan đến ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc của VNG. Doanh nghiệp này từng nắm giữ hơn 17 triệu cổ phiếu VNZ, tương đương trên 61% cổ phần tại VNG. Tuy nhiên đầu tháng 8 vừa qua, VNG Limited đã bán thành công 3,4 triệu cổ phiếu VNZ, hạ tỷ lệ sở hữu tại VNG xuống còn 49%.
Như vậy với VNG Limited, VNG đã cho thấy tham vọng gia nhập thị trường chứng khoán Mỹ đã có sự chuẩn bị từ trước, hoàn toàn không phải câu chuyện mới của VNG. Tháng 5/2017, VNG cũng đã có bản ghi nhớ với sàn chứng khoán Nasdaq. Tuy nhiên, dự án dở dang cho đến nhiều năm sau đó. Và giống VinFast, VNG cũng phải chấp nhận đường vòng để có thể đạt được mục đích của mình.
Reuters ngày hôm nay đưa tin, hồ sơ của VNG gửi SEC cho thấy, VNG dự định chào bán khoảng 21,7 triệu cổ phiếu VNG, với mức giá chưa được ấn định. Số tiền thu được từ IPO sẽ được sử dụng để trả cho các nhà đầu tư nước ngoài và trả các khoản nợ tồn đọng, cùng nhiều khoản khác.
Cũng theo hãng tin này, hai gã khổng lồ là Tencent của Trung Quốc và Temasek của Singapore là cổ đông của doanh nghiệp này.
Ông Seth Farbman, Chủ tịch và đồng sáng lập Công ty chứng khoán VStock Transfer, New York, cho biết, kết quả của kế hoạch IPO của các công ty khởi nghiệp có thể không chắc chắn, tuy nhiên, điều này đã thu hút được nhiều sự quan tâm và nếu thành công sẽ cho thấy cơ hội tốt cho các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á trong việc tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.
Tại thị trường trong nước, cổ phiếu VNZ chốt phiên tại mức giá 1.240.000 đồng/cp tăng hơn 12% so vói phiên hôm qua.