Giá cao, giao dịch ít, có tiền không mua được, điều gì đang xảy ra với VNZ?
(DNTO) - Kết thúc năm 2022, VNG gánh mức lỗ sâu nhất từ trước đến nay với hơn 1.300 tỷ đồng. Mặc dù vậy, cổ phiếu VNZ vủa VNG vẫn tiếp tục phiên tăng trần thứ 5, thị giá đạt kỷ lục với 587.000 đồng/cp chỉ sau 500 cổ phiếu được khớp lệnh. Điều gì đang xảy ra với VNZ?
Tính đến phiên giao dịch hôm nay, ngày 7/2, mã cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG chính thức bước vào phiên thứ 5 tăng kịch trần liên tiếp sau khoảng hơn 20 phiên giao dịch kể từ khi chào sàn, trước đó tất cả các phiên giao dịch đều không có thanh khoản.
Điều khá đặc biệt trong 5 phiên là mỗi phiên chỉ có đúng 100 cổ phiếu ít ỏi được bán ra. Lượng cổ phiếu này nhanh chóng được hấp thụ để lại hàng nghìn lệnh dư mua chờ đợi mỗi phiên. Tổng cộng trong 5 phiên, 500 cổ phiếu VNZ được khớp lệnh, tương ứng với giá trị hơn 220 triệu đồng thanh khoản, tuy nhiên đã đẩy thị giá VNZ tăng đột biến lên 144%.
Từ mức 240.000 đồng/cp, chốt phiên hôm nay, VNZ đã đạt 587.000 đồng/cp. Vốn hoá công ty tăng hơn 10.000 tỷ đồng đạt hơn 16.800 tỷ đồng. Ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập, cựu chủ tịch, nắm trong tay hơn 3,5 triệu cổ phiếu đã nhanh chóng có khối tài sản chứng khoán trên 2.000 tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Dù là tân binh trên thị trường chứng khoán nhưng VNZ đã trở thành mã có thị giá cao nhất với mức giá kỷ lục, trở thành một hiện tượng độc lạ trên thị trường. Điều đáng nói, báo cáo tài chính quý 4 vừa được công bố, VNG để lộ kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa.
Quý 4, VNG có lợi nhuận trước thuế âm hơn 540 tỷ đồng, mức lỗ trong quý sâu nhất từ trước đến nay. Cho cả năm 2022, "Kỳ lân" VNG có mức lỗ đáng kể với con số âm hơn 1.315 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cũng là năm lỗ nhiều nhất kể từ khi ra đời đến nay.
Dù doanh thu có tăng nhẹ từ 7,6 ngàn tỷ đồng năm 2021 lên 7,8 ngàn tỷ đồng trong năm 2022, tuy nhiên, các khoản chi phí quá lớn đang kéo lùi lợi nhuận của họ như chi phí bán hàng, chi phí tài chính..., đáng chú ý là chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận chủ yếu ở hai dự án: VNG Data Center và Phần mềm trò chơi đang hoàn thiện tăng từ 211 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 1.038 tỷ đồng vào cuối năm. Mục công ty liên kết ghi nhận lỗ từ từ 28 tỷ đồng năm 2021 lên 62 tỷ đồng trong năm 2022.
Theo giải trình của VNG, kết quả kinh doanh ảm đạm trên đến từ việc phải chi phí nhiều cho hoạt động đẩy mạnh quảng cáo với các sản phẩm mới và đầu tư mở rộng thị trường sang các nước Mỹ la tinh, Ả Rập, châu Phi. Ngoài ra, chi phí tăng cao của doanh nghiệp còn do hoạt động thanh lý các tài sản như máy móc, linh kiện... hay loại bỏ các trò chơi kém hiệu quả. Với mức lỗ trên 1.000 tỷ đồng, trên bảng báo cáo tài chính, VNG đang cho thấy một giai đoạn làm ăn khó khăn.
Năm 2014 là một cột mốc đáng nhớ của VNG khi được định giá 1 tỷ đô la Mỹ theo World Start – up Report, trở thành "kỳ lân" đầu tiên tại Việt Nam. Và năm 2023 cũng là dấu ấn với doanh nghiệp khi cổ phiếu của họ tạo thành hiện tượng bất ngờ trên sàn chứng khoán. Với VNZ, dường như quá nhiều bí ẩn, có lẽ cần thêm nhiều thời gian để có câu trả lời.
"Công ty khá thận trọng trong việc cung cấp thông tin và chúng tôi không thể tiếp cận Ban lãnh đạo để nắm bắt chiến lược của công ty. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng kiểm soát chi phí nên là một trong những ưu tiên của công ty", báo cáo của SSI Research cho biết.