Nhà đầu tư có xuống tiền mua VNZ?
(DNTO) - Lượng dư bán lên tới hơn 12 ngàn cổ phiếu, tăng cao gấp nhiều lần so với lượng dư mua. Điều này cho thấy, nhà đầu tư đã có cơ hội để được sở hữu VNZ của Công ty VNG khi mà nhiều cổ đông tranh thủ chốt lời. Tuy nhiên ai sẽ là người mạnh tay chi tiền cho VNZ?
Phiên giao dịch ngày 16/2 ghi nhận sự đảo chiều đường cong thị giá của VNZ, thay vì chỉ đi ngang trong tháng 1 và hoàn toàn đi lên trong tháng 2. Cổ phiếu này lần đầu tiên có phiên giảm giá, mức giảm 4,3%, chốt phiên tại 1.300.000 đồng/cp. Mặc dù giảm giá nhưng ngôi vị dẫn đầu giá trên sàn chứng khoán của VNZ vẫn đứng vững.
Đây cũng là phiên đầu tiên lực bán của VNZ ghi nhận tăng mạnh. Sau 11 phiên chứng kiến cổ phiếu của mình liên tục tăng kịch trần và đạt đến mức giá kỷ lục, cổ đông của VNZ cũng đã tính đến chuyện mang tiền về.
Nếu phiên sáng, lực cầu khá lớn, hấp thụ tốt lượng cổ phiếu bán ra thì sang phiên chiều, với khối lượng lớn cổ phiếu VNZ đưa ra dồn dập, cung tăng nhiều nhưng cầu ít khiến VNZ phải chấp nhận một phiên giảm giá.
Thay vì mỗi phiên chỉ bán 100 cổ phiếu như trước đây, thanh khoản gần như không có, phiên giao dịch hôm nay đã có tới hơn 11 ngàn cổ phiếu được khớp lệnh, tương đương với giá trị giao dịch hơn 16 tỷ đồng.
Cuối phiên hơn 12 ngàn cổ phiếu vẫn còn dư bán, trong khi đó chiều dư mua chỉ còn 1,4 ngàn cổ phiếu.
Vấn đề đặt ra, với mức giá đạt đỉnh như hiện nay, liệu ai sẽ là những người dám xuống tiền để sở hữu cổ phiếu này? Đây là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong bối cảnh khó khăn hiện nay và với một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa như VNG.
Đà tăng bất ngờ của VNZ đã thu hút sự chú ý đặc biệt của thị trường thời gian qua. Chào sân với mức giá cao 240.000 đồng/cp, rồi liên tục được giao dịch "nhỏ giọt", nguồn cung luôn trong tình trạng khan hiếm khiến giá bị đẩy lên cao. Tính đến hôm nay, cổ phiếu của kỳ lân công nghệ này đã tăng hơn 440% so với thời điểm chào sàn, tức sau hơn 1 tháng giao dịch.
Nhận định về triển vọng VNZ, ông Thái Gia Hào từ SSI Research, cho biết, nếu giả định tỷ suất lợi nhuận gộp của VNG cải thiện; tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý giảm nhẹ so với hiện tại thì tỷ suất lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này có thể được giả định ở mức 12%, trong khi các công ty cùng ngành có thể đạt tới 21%.
"Chúng tôi cho rằng mức giá niêm yết (240.000 đồng/cp) là mức giá giao dịch hợp lý đối với cổ phiếu. Chúng tôi không đưa ra khuyến nghị đối với cổ phiếu VNZ", ông Thái Gia Hào cho biết.
Thị trường chứng khoán luôn chứa ẩn nhiều điều bất ngờ khi mà lợi nhuận và rủi ro luôn đi cùng với nhau. Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, với những cổ phiếu có thị giá tăng bất thường, đặc biệt với các cổ phiếu chưa tạo được nền móng vững chắc, kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi thì nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác, giao dịch thận trọng để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Trong ngày VNZ giảm giá, thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận một phiên giao dịch tích cực khi VN-Index tăng hơn 10 điểm chốt tại 1.058 điểm, HNX-Index tăng 2,8 điểm đạt 210,8 điểm, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm đạt 79,66 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngành thép đã tăng điểm khá tích cực như NKG tăng kịch trần 6,7%; cùng đó HSG tăng 4,9%, HPG tăng 2,4%... Khối ngoại tiếp tục bán mạnh với giá trị bán ròng hơn 112 tỷ đồng trên HoSE.