Điều gì đang xảy ra với dòng tiền khối ngoại?
(DNTO) - Giá trị mua ròng của khối ngoại giảm mạnh sau thời gian tăng đột biến trên thị trường. Không còn vùng hỗ trợ, chỉ số VN-Index lình xình trong vùng giảm điểm, khả năng đang hình thành xu hướng downtrend (giảm điểm).
Phiên giao dịch hôm nay, 14/2, ghi nhận phiên thứ tư liên tiếp thị trường rơi vào đà giảm điểm. Chỉ số VN-INdex từ 1.072 điểm ngày 8/2, đến nay chỉ còn 1.038 điểm, tương đương với mức giảm trên 3% chỉ qua vài phiên giao dịch.
Ngoài ra, thanh khoản sụt giảm rõ rệt trong ngày Valentine khi chỉ còn 7,4 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn, riêng trên HoSE chỉ còn 6,7 ngàn tỷ đồng, trong khi tuần vừa qua thanh khoản trung bình trên HoSE là gần 8 ngàn tỷ đồng mỗi phiên và trong tháng 1, trung bình đạt 10,7 nghìn tỷ đồng mỗi phiên
Sự chú ý của thị trường đang dồn vào khối ngoại khi dòng tiền của khối này bất ngờ sụt giảm, thậm chí có dấu hiệu quay đầu bán thay vì mua ròng mạnh trước đó.
Tính đến hết tháng 1, khối ngoại duy trì động thái mua ròng qua kênh khớp lệnh tháng thứ 4 liên tiếp với giá trị mua ròng đạt trên 6,7 ngàn tỷ đồng, tập trung vào các ngành mang tính chu kỳ như tài chính - ngân hàng và thép, bởi định giá hấp dẫn, đáp ứng được điều kiện về mặt thanh khoản từ nhóm cổ phiếu này.
Riêng tháng 1/2023, giá trị mua ròng của khối ngoại chỉ bằng khoảng 50% so với tháng cuối cùng của năm 2022, điều này được nhiều chuyên gia lý giải có thể do đợt nghỉ Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên vào tháng 2, khi thị trường đã hoạt động ổn định, giá trị mua ròng của khối này vẫn không có dấu hiệu giảm.
Ngày 13/2, giá trị mua ròng của khối này còn đạt con số âm hơn 80 tỷ đồng trên sàn HoSE. Phiên 9/2, giá trị mua ròng chỉ hơn 18 tỷ đồng trên HoSE và hôm nay là hơn 55 tỷ đồng, một con số khá ít so với trước đó.
Khối ngoại từng được xem là động lực đi lên của thị trường chứng khoán, một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nhẹ bớt lo ngại về rủi ro ngắn hạn trong nhiều tháng qua. Điều này lý giải vì sao, khi vốn ngoại yếu đi cũng là lúc thị trường đuối sức, VN-Index giảm điểm như hiện tại.
Theo ông Nguỵ Văn Hùng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư TVI, trong chương trình "Khớp lệnh" diễn ra vào ngày 14/2, tiền của khối ngoại rất quan trọng, nhất là khi tài khoản mở mới ít dần, dòng tiền mới không nhiều.
"Nếu thị trường trụ lại được và dòng tiền khối ngoại quay trở lại thì thị trường mới có thể sớm dừng chân với khoảng 3, 4 tuần điều chỉnh. Nếu khối ngoại không trở lại thì thị trường có thể không giảm sâu nhưng sẽ lình xình và thanh khoản thấp", ông Hùng cho biết.
"Ai muốn chắc chắn thì nên chờ thị trường tạo đáy lúc đó mới mua. Giá trị của các đợt điều chỉnh hay phân phối là luôn giúp chúng ta tìm được cổ phiếu mạnh, là các cổ phiếu tận dụng được đợt điều chỉnh hoặc thị trường chung phân phối để tích luỹ nền tảng và bùng nổ sau đó. Đó là cách nhà đầu tư nên chọn", ông Hùng nhấn mạnh.
Quay trở lại với thị trường chung, với xu hướng giảm điểm hiện nay, thị trường đang có dấu hiệu bước vào vùng giảm điểm, "nguy cơ VN-Index quay lại downtrend và vẫn chưa có cơ sở chắc chắn để xác định khu vực cân bằng tích lũy của thị trường", Chứng khoán SHS nhận định.
Cũng theo SHS, "với những diễn biến khó khăn trên thị trường tín dụng, cuộc chiến Nga - Ukraine có xu hướng leo thang dẫn đến rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu... sẽ đe dọa khả năng hình thành uptrend (tăng điểm) trở lại sớm, kịch bản tích cực mà chúng tôi kỳ vọng là VN-Index duy trì được nền tảng cân bằng quanh 1.000-1.050 điểm để tích lũy".
Tuy nhiên theo các chuyên gia thị trường, điểm sáng là một số cổ phiếu quan trọng có xu hướng tiếp đà uptrend, theo đó kỳ vọng VN-Index sẽ đi vào khu vực cân bằng trong thời gian tới.
Cơ hội giải ngân thời điểm này thích hợp cho các nhà đầu tư theo trường phái trung - dài hạn, còn với các nhà đầu tư ngắn hạn, nên thận trọng để tránh rủi ro có thể xảy ra.