'Sóng gió' vẫn chưa qua với Eximbank?
(DNTO) - Nhiều lùm xùm liên quan đến cổ phiếu EIB những ngày qua cho thấy dường như "sóng gió" vẫn chưa qua với Eximbank?
Từ cuối năm 2022 đến nay, cổ phiếu EIB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ghi nhận những phiên giao dịch có khối lượng khủng. Ngày 30/9/2022, hơn 70 triệu cổ phiếu EIB đã được trao tay theo phương thức thoả thuận với giá trị lên tới 2,7 ngàn tỷ đồng. Phiên 13/1/2023, hơn 134 triệu cổ phiếu EIB được sang tay, cũng là phiên cuối cùng trước ngày đại hội cổ đông bất thường Eximbank diễn ra, mặc dù vậy phiên họp này bất thành.
Từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch của EIB tăng đột biến khi trung bình có tới 2,3 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch trong một ngày. Trong khi so sánh với cùng thời điểm của năm ngoái, mã này chỉ có trung bình khoảng 940 cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.
Khối lượng giao dịch lớn cùng đó là sự bất thường về giá. Từng đạt đỉnh vào giai đoạn cuối tháng 10 với mức giá 42 ngàn mỗi cổ phiếu trong phiên 27/10, tuy nhiên đến ngày 21/11 lại chỉ còn hơn 18 ngàn mỗi cổ phiếu, thị giá mất hơn 60% giá trị chỉ trong một tháng. Đáng chú ý trong tháng 11/2022, EIB bắt ngờ rơi mạnh tới 7 phiên giảm sàn rồi lại nhanh chóng tím trần sau chuỗi ngày giảm sâu.
Tính từ đầu tháng 2 tới nay, EIB nằm trong xu hướng giảm điểm. Phiên cuối tuần, cổ phiếu này giảm 6,9% dừng tại 22.950 đồng/cp.
Tuần qua thị trường lùm xùm nhiều thông tin đồn thổi về việc EIB có thể đang bị thao túng cổ phiếu. Sự việc liên quan đến một công văn của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM được lan truyền trên mạng xã hội về việc điều tra xác minh nguồn tin tố giác về tội phạm "thao túng thị trường chứng khoán" theo quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm số 1560 ngày 20/12/2022.
Theo nguồn Tuổi Trẻ Online, Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, sở dĩ họ có yêu cầu trên là do một số cá nhân nắm cổ phiếu EIB đã làm đơn tố giác đến cơ quan công an. Đại diện Eximbank cũng cho hay, vấn đề này chỉ liên quan đến những cá nhân nắm tỷ lệ lớn cổ phiếu nhưng không nằm trong hội đồng quản trị Eximbank, do vậy không liên quan gì đến ngân hàng.
Phía các tổ chức như Chứng khoán ACBS, Chứng khoán Bản Việt, các tổ chức nằm trong danh sách được yêu cầu cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan cho cơ quan an ninh, cũng chính thức lên tiếng hoàn toàn không liên quan đến vụ việc.
Như vậy, vấn đề có thể đang xoay quanh các mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn của Eximbank. "Sóng gió" từng gây nhiều ám ảnh cho nhà băng này và giờ chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáng nói, Eximbank đã trải qua một năm kinh doanh khá thành công khi thu nhập lãi thuần tăng lên, cùng đó là chi phí dự phòng rủi ro giảm xuống.
Quý 4, nhà băng này đã đạt hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 111% so với cùng kỳ năm 2021. Cho cả năm 2022, ngân hàng đã mang về hơn 3,7 ngàn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 3 lần năm trước, và là kết quả lớn nhất trong nhiều năm qua của ngân hàng này. So với kế hoạch đề ra cho cả năm 2022, Eximbank đã vượt kế hoạch đến 48%.
Chất lượng nợ vay có sự dịch chuyển từ nợ dưới tiêu chuẩn và nghi ngờ sang nợ có khả năng mất vốn, giúp tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ mức 1,96% đầu năm xuống còn 1,8%. Tổng tài sản tăng 12% so với đầu năm, lên mức hơn 185 ngàn tỷ đồng.
Vừa qua, MSCI quyết định đưa EIB vào danh mục MSCI Frontier Markets Index, đồng thời loại 3 cổ phiếu của Việt Nam ra khỏi danh mục cận biên là DGC, KDH và PDR. Với những thành quả trên, Eximbank đang cho thấy sự hồi phục qua sự nỗ lực không ngừng của ban lãnh đạo ngân hàng này.
Chỉ còn hai ngày nữa, ngày 14/2, Eximbank sẽ tổ chức đại hội cổ đông lần hai sau lần một bất thành với nhiều quyết định quan trọng được thông qua. Kỳ vọng "sóng gió" sẽ sớm qua đi với ngân hàng.