VNDirect: Thực phẩm và đồ uống, giá hàng hóa có khả năng hạ nhiệt từ quý 3/2022
(DNTO) - Nhóm phân tích của VNDirect kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục phục hồi với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so với cùng kỳ năm 2022 nhờ thu nhập thực của người dân được cải thiện, du lịch phục hồi...
Ngành dịch vụ Việt Nam duy trì tăng trưởng tích cực trong quý 2/2022, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2022 đạt 477.305 tỷ, tăng 4,2% so với tháng trước và 22,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 60,4% so với cùng kỳ và 21,1% so với tháng trước.
Khái quát lại giá thực phẩm từ đầu năm 2022, nhóm phân tích của VNDirect cho biết, giá ngũ cốc thế giới tiếp tục tăng nhanh trong 5 tháng đầu năm 2022, do lo ngại về nguồn cung bị gián đoạn vì xung đột Nga-Ukraine xảy ra từ ngày 24/2/2022, và lệnh cấm/hạn chế xuất khẩu ở các nước xuất khẩu nông sản lớn như Ấn Độ và Indonesia.
"Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy giá hàng hóa đang có xu hướng giảm vào đầu tháng 6/2022. Dựa trên dự báo giá hàng hóa toàn cầu cả năm của World Bank, chúng tôi kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm nhẹ khoảng 6-10% trong nửa cuối năm 2022 so với 6 tháng 2022", nhóm phân tích cho hay.
Nhưng một số hàng hóa có khả năng đạt đỉnh vào quý 3/2022. Theo nhận định của nhóm phân tích, giá lúa mì thế giới đã giảm 25,6% từ mức đỉnh (tháng 5/2022), và duy trì xu hướng giảm giá trong tháng 6/2022; giá ngô và đậu tương vẫn ở mức cao trong tháng 5/2022. Tuy nhiên, mức độ tăng giá đã chậm lại so với quý 1/2021; giá dầu hướng dương duy trì xu hướng giảm từ đầu tháng 4/2022, trong khi dầu cọ giảm mạnh trong tháng 6/2022; giá bột sữa nguyên kem đã trở lại mức trước khủng hoảng Nga-Ukraine và giảm 13,3% từ mức đỉnh (tháng 3/2022).
Doanh nghiệp nào được hưởng lợi khi giá hàng hóa giảm?
Theo nhóm phân tích, với ngành sản xuất sữa, Công ty Vinamilk (VNM) khá nhạy cảm với biến động giá bột sữa nguyên liệu. Do đó, giá bột sữa nguyên kem giảm sẽ có tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của VNM.
Giá bột sữa ổn định sẽ giảm bớt áp lực lên chi phí đầu vào. Giá bột sữa nguyên kem trong tháng 5/2022 giảm 5,9% so với cùng kỳ và 2,5% so với đầu năm trước lo ngại về nhu cầu tiêu thụ thấp do Trung Quốc tiếp tục đóng cửa.
"Chúng tôi cho rằng, giá bột sữa nguyên kem đã đạt mức cao nhất vào đầu tháng 3/2022. Ngoài ra, chính sách Zero Covid đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu bột sữa nguyên kem từ Trung Quốc (nhà nhập khẩu bột sữa lớn nhất). Do đó chúng tôi kỳ vọng giá bột sữa nguyên kem sẽ dần hạ nhiệt và ở dưới mức cao nhất vào tháng 3/2022.
Theo quan điểm của chúng tôi, VNM sẽ được hưởng lợi từ xu hướng giá này. Theo ban lãnh đạo, công ty đã thực hiện hai đợt tăng giá vào tháng 12/2021 và tháng 1/2022, với mức tăng giá trung bình 3-4%. Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của VNM sẽ cải thiện nhẹ 0,7/0,6 điểm phần trăm trong 2022-2023, sau khi giảm 3,3 điểm % trong năm 2021", VNDirect nhận định.
Đối với nhóm ngành sản xuất thịt, theo nhóm phân tích, chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Nhóm phân tích cho rằng, giá ngũ cốc toàn cầu giảm sẽ có tác động tích cực đến chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi. Điều này sẽ giảm áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thịt.
"Chúng tôi cho rằng giá gia cầm tăng do thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tiêu thụ phục hồi sau Covid-19. Chúng tôi kỳ vọng giá lợn hơi bình quân giảm 5,8% so với cùng kỳ trong 2022 so với mức 61.600 đồng/kg ghi nhận trong năm 2021, chủ yếu do mức nền giá cao 73.800 đồng/kg trong 6 tháng năm 2021. Trong khi đó, giá gia cầm được dự báo sẽ tăng 6,0% do thiếu hụt nguồn cung khi người chăn nuôi bỏ đàn vào năm 2021, trong khi nhu cầu sẽ tiếp tục phục hồi cho đến cuối năm", nhóm phân tích nhận định.
Đối với nhóm dầu thực vật, VNDirect cho rằng giá dầu cọ sẽ giảm trong nửa cuối năm sau khi Indonesia gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu. Theo quan điểm của họ, các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước như TAC và VOC sẽ tận dụng được lợi thế từ giá dầu cọ thô với mức thấp hơn trong 6 tháng đầu năm 2021, nhờ đó giảm áp lực lên biên lợi nhuận gộp trong 6 tháng cuối năm.
Đối với nhóm sản xuất đường, giá đường nội địa biến động theo giá đường thế giới. Bên cạnh đó, đường Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh về giá so với đường nhập lậu. Do đó, giá đường thế giới giảm sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước...