Trà sữa, cà phê, thịt heo, rau xanh rủ nhau tăng giá
(DNTO) - Giá xăng tăng liên tiếp kéo theo giá các sản phẩm thực phẩm từ thịt heo, rau xanh, tới trà sữa, cà phê... đua nhau tăng giá.
Trà sữa, cà phê tăng 1.000-10.000 đồng/sản phẩm
Theo thông báo mới nhất của Highlands Coffee, từ ngày 27/6, đơn vị này sẽ áp dụng giá mới tại khu vực TP.HCM và Hà Nội. Từ 1/7/2022, tất cả cửa hàng Highlands Coffee trên toàn quốc, bao gồm các app đặt hàng, sẽ áp dụng giá mới. Tại một số quán đặc biệt và các quán ở sân bay, VinWonder, giá bán có thể khác với menu tiêu chuẩn.
Cụ thể, tùy loại sản phẩm và kích thước, mức giá tăng của thương hiệu này nằm trong khoảng từ 4.000-10.000 đồng/sản phẩm.
Ví dụ, trà có mức tăng giá chung là 10.000 đồng/sản phẩm với kích thước lớn (size L), từ 55.000 đồng lên 65.000 đồng; cà phê pha phin có mức tăng từ 4.000-6.000 đồng/sản phẩm với kích thước vừa và lớn; cà phê espresso tăng 10.000 đồng/sản phẩm ở mọi kích thước. Giá bán của các loại cà phê sữa đá, đen đá và bạc xỉu kích thước nhỏ (size S) vẫn được giữ nguyên.
Trong thông báo điều chỉnh giá đăng trên fanpage Highlands Coffee, thương hiệu này nêu “để có thể giữ vững và thậm chí nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm của quý khách hàng trước tình hình biến động thị trường hiện nay, Highlands Coffee xin thông báo về việc điều chỉnh giá bán các sản phẩm của chúng tôi. Highlands Coffee hy vọng sẽ nhận được sự thông cảm từ quý khách hàng...”.
The Coffee House Việt Nam cũng tăng giá dòng sản phẩm trà trái cây và trà sữa. Mức tăng từ 1.000- 5.000 đồng/sản phẩm tùy kích thước. Cà phê truyền thống vẫn giữ nguyên giá.
Trước đó, ngày 15/4, chuỗi Pizza 4P's với 24 chi nhánh trên toàn quốc đã ra thông báo điều chỉnh giá bán vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Nhà sáng lập chuỗi Pizza Home, ông Hoàng Tùng cho biết, việc tăng giá sản phẩm của các chuỗi F&B trong thời gian qua và thời gian tới là điều hết sức bình thường bởi nguyên liệu tăng. "Thực ra nguyên liệu tăng từ hơn 1,5 năm nay rồi. Các chuỗi có bên âm thầm tăng, có bên thông báo. Bản chất kinh doanh phải có lợi nhuận đảm bảo để có thể vận hành được. Chi phí đầu vào tăng, biên lợi nhuận mỏng đi rất nhiều theo đó, chuỗi lớn tăng giá trong khi chuỗi nhỏ sợ tăng hơn vì sợ mất khách".
Tuy nhiên nhìn ở góc độ khác, theo ông Hoàng Tùng, các chuỗi tăng có sự cân nhắc kỹ, tăng 10-18%. Khách hàng vào mô hình chuỗi, ngoài trả tiền cho sản phẩm thì còn là không gian xung quanh. Với tệp khách hàng trung - cao cấp, mức tăng đó có lẽ không quá ảnh hưởng tới tệp khách hàng trung thành của họ.
Riêng với việc Highlands Coffee tăng giá, ông Hoàng Tùng nhận định là điều rất bình thường, bởi kể cả sau khi tăng giá thì mức giá của thương hiệu này so với các chuỗi đối thủ cũng vẫn là mức giá đủ cạnh tranh. Theo ông, đây là chuỗi cà phê lớn nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, sức mạnh của đơn vị này là độ phủ, trong khi hành vi tiêu dùng của khách hàng uống cà phê là coi trọng sự tiện lợi.
Thịt heo, rau xanh cũng tăng giá
Ghi nhận tại một số chợ truyền thống ở TP.HCM, giá rau xanh và thịt heo, gà tăng mạnh so với khoảng nửa tháng trước.
Cụ thể, thịt heo ba chỉ có giá 130.000-160.000 đồng/kg, tăng 10.000-30.000 đồng/kg, giò heo tăng thêm 10.000 đồng, có giá 100.000 đồng/kg…
Cánh gà, đùi gà công nghiệp hiện nay ở mức 60.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng. Riêng gà ta, tăng lên mức 150.000-160.000 đồng/kg, tăng 20.000-30.000 đồng/kg.
Các loại rau ăn lá, củ như hành lá, ngò rí, rau muống, rau cải các loại, su hào, hành tây, cà chua, chanh, ớt, bông cải xanh, trắng và xà lách… tăng thêm 3.000-20.000 đồng/kg tùy loại.
Chị Hồng, tiểu thương tại chợ Trần Văn Quang cho biết, ngò rí hiện nay đã lên 100.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; hành lá có giá 60.000-65.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Về phía các siêu thị, đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart cho biết, rất nhiều nhà cung cấp đã gửi công văn yêu cầu tăng giá, mức tăng hiện tại từ 10-15% nằm trong đa dạng nhóm hàng từ thực phẩm khô đến phi thực phẩm và cả nhóm thực phẩm tươi sống. Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên liệu tăng.
Về phía Lotte Mart sẽ có những chính sách như thương lượng với nhà cung cấp gia hạn thời gian tăng giá hết mức có thể; dự báo trước tình hình tăng giá để dự trữ hàng hóa; chỉ đồng ý tăng giá khi là mức tăng hợp lý và áp dụng toàn thị trường. Mức tăng của Lotte Mart sẽ áp dụng bằng thị trường và bằng chính xác mức nhà cung cấp yêu cầu. Đồng thời, tích cực thực hiện các chương trình khuyến mãi để hỗ trợ áp lực tài chính cho người tiêu dùng.
Từ ngày 1/7 tới đây, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz sẽ tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho heo con và thức ăn đậm đặc với mức tăng 400 đồng/kg, tương đương tăng 10.000 đồng/bao 25 kg. Đối với các loại thức ăn cho heo, bò, gà thịt, vịt thịt và gà, vịt đẻ: tăng 300 đồng/kg, tương đương tăng 7.500 đồng/bao 25 kg.
Công ty TNHH CJ Vina Agri cũng tăng giá từ ngày 1/7. Mức tăng từ 300-400 đồng/kg (tùy loại), trong đó, thức ăn đậm đặc, thức ăn cho heo con tăng 400 đồng/kg và tăng 300 đồng/kg đối với các loại thức ăn còn lại.
Lý do được các công ty đưa ra khi quyết định tăng giá bán sản phẩm là giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng.