Năm 2022 vẫn là năm đầy thách thức với các doanh nghiệp sản xuất thịt
(DNTO) - Các nhà phân tích của VNDirect nhận định, năm 2022 vẫn sẽ là năm đầy thách thức với các doanh nghiệp sản xuất thịt. Các chuyên gia dự phóng lợi nhuận ròng CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) giảm 29,6% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng của CTCP Masan MEAT Life (MML) giảm mạnh 66,2% so với cùng kỳ.
Áp lực 2 chiều phủ bóng lên triển vọng năm 2022
Theo World Banks, giá lúa mì, ngô và khô đậu tương sẽ tăng 42,7%/19,4%/9,7% so với cùng kỳ trong 2022, kéo theo chi phí nguyên vật liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi tăng. Trong khi đó, giá lợn hơi trong nước dự kiến giảm 5,8% so với cùng kỳ trong 2022 chủ yếu do mức nền cao trong 6 tháng năm 2021, và nhu cầu tiêu thụ phục hồi chậm sau Covid-19. Do đó, các nhà phân tích cho rằng, năm 2022 vẫn sẽ là năm đầy thách thức với các doanh nghiệp sản xuất thịt.
"Chúng tôi dự phóng lợi nhuận ròng DBC giảm 29,6% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng của MML giảm mạnh 66,2% so với cùng kỳ. Chúng tôi cho rằng, kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất thịt khá tích cực (tăng trưởng lợi nhuận ròng 10,0% so với cùng kỳ) trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào không ổn định do cuộc xung đột trong khi giá lợn hơi khó có thể tăng mạnh vào 2022”, các nhà phân tích VNDirerct nói.
Giá lợn hơi bình quân trong nước tại các vùng miền đều tăng nhẹ trong tháng 4/2022. Cụ thể, miền Bắc ghi nhận mức giá trung bình cao nhất là 54.400 đồng/kg, trong khi miền Trung ghi nhận mức thấp nhất là 53.722 đồng/kg.
Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu tổng khối lượng hơn 1,147 triệu tấn (-30,8% so với cùng kỳ) lúa mì, ngô và đậu tương trong tháng 3/2022. Tổng sản lượng nhập khẩu giảm chủ yếu do khối lượng nhập khẩu ngô và đậu tương giảm 49,3% so với cùng kỳ và 9,5% so với cùng kỳ.
“Theo quan điểm của chúng tôi, giá hàng hóa tăng đã buộc các công ty phải điều chỉnh giảm lượng hàng tồn kho với thời hạn hợp đồng ngắn hơn”, các chuyên gia nhận định.
Khó khăn nối tiếp khó khăn
Các doanh nghiệp sản xuất thịt ghi nhận kết quả kinh doanh trái chiều trong quý 1/2022. Dựa trên ước tính của các nhà phân tích, tổng doanh thu của các công ty sản xuất thịt niêm yết đã giảm 39,7% so với cùng kỳ trong quý 1/2022 và lợi nhuận ròng ròng cũng giảm 37,4% so với cùng kỳ.
Các công ty ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong quý 1/2022 cao nhất bao gồm DBC (-97,6%) và Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (-7,8%). Các chuyên gia cho rằng, tổng doanh thu giảm chủ yếu do giá lợn hơi giảm mạnh 30,7% so với cùng kỳ trong quý 1/2022. Bên cạnh đó, BAF chủ động cắt giảm doanh thu từ mảng kinh doanh nông sản và MML không còn ghi nhận doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi cũng góp phần làm sụt giảm tổng doanh thu.
Trong khi đó, tổng biên lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất thịt giảm đáng kể 13,2 điểm phần trăm trong quý 1/2022 do giá nguyên vật liệu đầu vào cho thức ăn chăn nuôi cao hơn trong khi giá đầu ra thấp hơn. Giá lúa mì, ngô và đậu tương tăng mạnh 46,9%/24,8%/6,5% so với cùng kỳ trong quý 1/2022…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng đàn lợn tăng khoảng 4,2% trong quý 1/2022. Sản lượng lợn hơi xuất chuồng trong quý 1/2022, ước tính đạt 1,1 triệu tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ và đạt 24% kế hoạch năm 2022. Đến cuối tháng 4, tổng đàn lợn tăng 5,5%.
"Chúng tôi cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thịt trong quý 2/2022 khó có thể tăng đột biến, khi các trường học bước vào kỳ nghỉ hè trong khi các nhà hàng và bếp ăn công nghiệp vẫn tiêu thụ với mức tương đương với quý 1/2022. Bên cạnh đó, Covid-19 cũng đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, khiến nhiều người còn e ngại với các các hoạt động ăn uống tại chỗ. Do đó, các chuyên gia dự kiến giá lợn hơi trung bình sẽ giảm 5,8% năm 2022 so với mức 61.600 đồng/kg được ghi nhận vào năm 2021, chủ yếu do mức giá cao 73.800 đồng/kg trong 6 tháng năm 2021", các chuyên gia phân tích.
Chi phí nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm 80-85% giá thành thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Các nhà phân tích cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất thịt vẫn sẽ gặp khó khăn trong 2022 do giá thức ăn chăn nuôi dự kiến tiếp tục tăng cao trong khi giá lợn hơi bình quân giảm 5,8%.
"Chúng tôi ước tính doanh số bán lợn giống và lợn hơi của DBC tăng 9,8%, trong khi biên lợi nhuận gộp dự báo giảm 6,6 điểm phần trăm do giá thức ăn chăn nuôi tăng", các chuyên gia VNDirect cho biết.