VNDirect: Kỳ vọng GDP Việt Nam 2024 sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng lên 6,3% so với cùng kỳ
(DNTO) - Trong báo cáo phân tích do VNDirect vừa phát hành, Khối phân tích vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 5,0% so với cùng kỳ, và đưa ra kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng lên 6,3% so với cùng kỳ (+/- 0,2 điểm) vào năm 2024.
Trong quý 4/2023, Khối phân tích của VNDirect giữ nguyên dự báo GDP của Việt Nam có thể tăng 7,0% so với cùng kỳ (+/-0,2% điểm) trong quý 4/2023, qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm lên 5,0%. Những yếu tố hỗ trợ chính sẽ đến từ chính sách tài khóa mở rộng; lãi suất cho vay thấp hơn, có thể giúp phục hồi lĩnh vực đầu tư tư nhân và tiêu dùng trong nước; đẩy nhanh quá trình phục hồi của khu vực sản xuất nhờ đơnhàng xuất khẩu tăng trong bối cảnh hàng tồn kho giảm và áp lực lạm phát giảm bớt ở các thị trường phát triển; và cơ sở so sánh thấp của cùng kỳ năm 2022 (GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ trong quý 4/2022).
Khối phân tích nhận định, hoạt động sản xuất và xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2024 khi tin rằng quá trình phục hồi của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu sẽ được hỗ trợ từ mức rất thấp vào năm 2023 nhờ đơn đặt hàng bên ngoài tăng, trong bối cảnh lạm phát giảm và mức tồn kho giảm ở các thị trường phát triển.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng khoảng 7,0% so với cùng kỳ trong năm tới, cải thiện từ mức giảm (dự kiến) là 4,7% vào năm 2023. Sự phục hồi của hoạt động sản xuất cũng kích thích nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị. Theo đó, dự báo kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng khoảng 8,5% so với cùng kỳ trong năm tới, cải thiện từ mức giảm (dự kiến) 9% vào năm 2023.
Ngoài ra, dòng vốn FDI vào Việt Nam cải thiện trong nửa cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi của hoạt động sản xuất, xuất khẩu vào năm 2024.
Theo sau sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ được cải thiện vào năm 2024, góp phần củng cố nhu cầu trong nước. Hơn nữa, việc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 sẽ có tác động lớn đến những người được hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Theo đó, Chính phủ dự kiến chi 499 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 20,5 tỷ USD) trong 3 năm tới (2024-2026) để thực hiện cải cách tiền lương, trong đó chi tăng lương là 470 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 19,3 tỷ USD).
Ngoài ra, 11 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 450 triệu USD) sẽ được sử dụng để tăng lương hưu và 18 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 740 triệu USD) sẽ được sử dụng để tăng trợ cấp cho những người có công với cách mạng. Chínhphủ cũng sẽ tiếp tục duy trì một số gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong nửa đầu năm 2024.
Sự hồi phục của thị trường bất động sản cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ GDP tăng trưởng. Theo các doanh nghiệp bất động sản, 70-80% khó khăn trên thị trường hiện nay đều liên quan đến vấn đề pháp lý. Để hỗ trợ thị trường, Chính phủ và các địa phương đang tích cực xử lý vướng mắc pháp lý với các dự án bất động sản. TP.HCM cho biết đã giải quyết được 30% dự án bất động sản vướng mắc pháp lý, trong khi Hà Nội cũng giải quyết xong vướng mắc pháp lý cho khoảng 60% dự án.
Đồng thời, một khó khăn khác của thị trường bất động sản là một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai các giải pháp cần thiết để khơi thông tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.
Theo NHNN, tổng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 112 tỷ USD, tăng 6,04% so với đầu năm) vào cuối quý 3/2023, và chiếm 21,46% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Ngoài ra, lãi suất cho vay giảm 2-3 điểm % kể từ đầu năm 2023 sẽ thúc đẩy nhu cầu vay thế chấp và cải thiện tình hình tài chính của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024. Hơn nữa, sự hồi phục dần của thị trường trái phiếu doanhnghiệp sẽ là chìa khóa giúp giải quyết khó khăn về vốn cho các nhà phát triển bất động sản trong những năm tới.
Lĩnh vực đầu tư tư nhân cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi vào năm 2024 vì một số lý do. Lý do đầu tiên là doanh nghiệp sẽ triển khai dự án mới và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng và sự phục hồi của các đơn hàng xuất khẩu; lãi suất cho vay thấp hơn, điều kiện tài chính toàn cầu được nới lỏng hơn vào nửa cuối năm 2024 và sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư tư nhân mới.
Đầu tư tư nhân là động lực tăng trưởng hàng đầu của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng15% trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vốn đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2023 do đơn hàng xuất khẩu giảm và thị trường bất động sản trầm lắng.
Fitch Ratings nâng hạng Việt Nam lên ‘BB+’ với triển vọng “Ổn định”
Fitch Ratings đã nâng Xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành ngoại tệ dài hạn (IDR) của Việt Nam lên 'BB+', từ 'BB', với triển vọng "Ổn định". Việc nâng hạng ghi nhận sự cải thiện vững chắc hơn về bảng cân đối tài khóa của Chính phủ Việt Nam cũng như dòng vốn FDI mạnh mẽ.
Fitch tin tưởng rằng những trở ngại kinh tế trong ngắn hạn trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ khó có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn cùng với dư địa chính sách dồi dào sẽ góp phần kiểm soát các rủi ro trong ngắn hạn.
Fitch cũng tin rằng cơ cấu nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn an toàn vì phần lớn nợ là nợ song phương và đa phương. Điều này làm gánh nặng trả nợ nước ngoài của Việt Nam thấp hơn, từ đó hỗ trợ khả năng thanh toán.
Việc Fitch nâng xếp hạng IDR cho Việt Nam là sự ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu thị trường tài chính. Theo đó, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đang dần tiệm cận “Mức đầu tư-BBB-” sẽ giúp Chính phủ cũng như doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn quốc tế hơn với chi phí cạnh tranh hơn.
Đồng thời, điều này sẽ cải thiện hình ảnh môitrường đầu tư của Việt Nam và góp phần thu hút thêm FDI cũng như dòng vốn đầu tư vào các tài sản tài chính của Việt Nam trong tương lai. Cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn vốn quốc tế và giảm chi phí vay sẽ tác động đáng kể đến khả năng thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng của Việt Nam.
Sau đợt nâng hạng này, xếp hạng của Fitchcho Việt Nam đã tương ứng với tổ chức Standard & Poors (S&P) khi tổ chức này cũng xếp hạng Việt Nam BB+. Tổ chức xếp hạng lớn còn lại là Moody’s, có cách thức xếp hạng tương đối khác. Hiện tại, Moody’s đang xếp hạng Việt Namở mức Ba2, thấp hơn hai bậc so với mức xếp hạng đầu tư tối thiểu là Baa3.