Vì sao xuất khẩu gạo Việt Nam giảm mạnh?
(DNTO) - Philippines đang có kế hoạch nhập khẩu số lượng lớn gạo từ Ấn Độ với giá rẻ, hơn 100 USD/tấn so với gạo Việt Nam, khi quốc gia này tiến hành đa dạng hóa nguồn cung.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade), trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,7 triệu tấn, tương đương 1,48 tỷ USD, giảm 11,3% về khối lượng và 5% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo cục này, nhu cầu mua hàng từ các đối tác nước ngoài không cao do họ chờ đợi đến vụ hè thu để thu mua vào.
Mặt khác, giá gạo Việt Nam cao hơn giá gạo Ấn Độ và Thái Lan. Một tấn gạo Việt Nam cao hơn 20 USD so với gạo Thái Lan và 100 USD so với gạo Ấn Độ.
Hiện Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35,6% kim ngạch. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo vào thị trường này đã giảm 20,7% khối lượng và 4,9% về giá trị trong 4 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, xuất khẩu vào thị trường Indonesia giảm sâu 71,1% trong 4 tháng đầu năm nay.
Theo Agrotrade, nhu cầu thị trường trong thời gian tới sẽ vẫn cao, tuy nhiên, gạo Việt Nam sẽ đối mặt với cạnh tranh rất lớn tại thị trường quốc tế, khi gạo Ấn Độ và Thái Lan ngày càng trở nên có sức hút hơn đối với người mua.
Việt Nam có kế hoạch sản xuất 43 triệu tấn gạo và xuất khẩu 6,5 triệu tấn trong năm 2021, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 4 thế giới với 6,25 triệu tấn trong năm 2020.