Tục tảo mộ đón tết thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt
(DNTO) - Tảo mộ từ lâu đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đặc trưng riêng, mang tính dòng tộc rõ nét của người Việt trong chuỗi sự kiện đón Tết cổ truyền của dân tộc. Vì vậy, dù có đi đâu làm gì, mỗi dịp Tết, người dân Việt Nam đều dành thời gian trở về quê hương để tảo mộ.
Tảo mộ hay còn gọi là chạp mả, giãy mả… (tránh nhầm với tảo mộ vào tiết thanh minh tháng 3 âm lịch của người Trung Hoa) là việc quét tước rác rưởi, dọn dẹp cỏ dại, lau chùi, sửa sang, tu bổ, chăm sóc cây xanh ở xung quanh phần mộ của người quá cố. Sau đó dâng lễ vật, thắp nhang mời người quá cố về nhà ăn Tết cùng gia đình.
Đó có thể là phần mộ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cái, người thân trong gia đình, đồng thời cũng có thể là phần mộ chung của những nạn nhân do thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh… hoặc mộ phần của anh hùng liệt sĩ không tên để tỏ lòng tri ân với những người con đã thầm lặng hy sinh cho tổ quốc.
Dân gian quan niệm “Sống có nhà, thác có mồ” nên xem mồ mả là nhà của người quá cố. Vì thế Tết đến, “nhà cửa” của họ cũng phải được dọn dẹp sửa sang mới mẻ để đón xuân. Đây cũng một dịp để thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, nhắc nhớ về đạo lý "chim có tổ, người có tông". Là dịp để gia đình, con cháu sum họp. Nhiều gia đình đông đúc hòa thuận còn xem đây như một ngày giỗ lớn. Đây cũng là dịp người lớn, người thế hệ trước chỉ ra và giảng giải cho trẻ con, người thế hệ sau biết mả này là của ai, vai vế thế nào, để lớp trẻ hình dung được mối quan hệ ruột rà, thân tộc. Có khi người biết chuyện còn kể về những chiến tích hào hùng hay những giai thoại về ông bà cho con cháu nghe để chúng lấy làm tự hào về truyền thống gia đình.
Với những gia đình có thân nhân nằm ở nghĩa trang liệt sĩ, ngày tảo mộ cuối năm còn mang một ý nghĩa rất thiêng liêng. Đó là ngày để con cháu tưởng nhớ, tri ân người nằm xuống và tự hào tiếp bước cha ông, luôn ghi khắc trong lòng mình được sinh ra và lớn lên trong một đất nước anh hùng, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị thiêng liêng ấy.
Tảo mộ từ lâu đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đặc trưng riêng, mang tính dòng tộc rõ nét của người Việt trong chuỗi sự kiện đón Tết cổ truyền của dân tộc. Vì vậy, dù có đi đâu làm gì, mỗi dịp Tết, người dân Việt Nam đều dành thời gian trở về quê hương để tảo mộ
Lễ vật đem đi tảo mộ không cần quá cầu kỳ, chỉ cần thể hiện được sự thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.
Đất nước ta có một thời chiến tranh, người dân tản cư tứ xứ. Giai đoạn này công việc tảo mộ hầu như cũng bị buông lỏng ít nhiều, mồ mả liệt sĩ cũng chưa được quy tập, có nhiều nấm mộ chỉ là một mô đất cỏ dại mọc đầy, thậm chí không có cả tấm mộ bia. Hòa bình, ngày tảo mộ dần được khôi phục đông vui, rộn rã.
Tuy nhiên, đất nước phát triển, kinh tế hộ gia đình ngày càng khấm khá, dân tình không ít người dần tiến lên trung lưu rồi đại gia. Những khu mộ gia đình dòng tộc dần được nâng cấp, có nơi huy hoạch bê tông hóa như một khu lăng tẩm với những ngôi mộ lộng lẫy, phô trương. Ngày tảo mộ trở thành những bữa tiệc cúng bái, ăn nhậu linh đình, bia rượu, thịt thà đầy ứ.
Cũng không ít trăn trở khi trong thực tế có một vài trường hợp, do đất đai nông thôn được quy hoạch trở thành khu đô thị, giá đất tăng vùn vụt, đất hoang hóa thời chiến tranh trước kia không ai màng tới, nay mọi người trong gia tộc tranh giành nhau. Đất cao giá, người ta không ngại ngần xà xẻo bán dần phần đất hương hỏa, lấn chiếm, che chắn luôn phần đất nghĩa trang. Những ngôi mộ bị bao vây bởi hàng quán, cơ sở kinh doanh… ồn ào, tấp nập.
Chuyện giận hờn cãi vã xảy ra như những nhát dao ngày càng làm rách nát nghĩa tình người sống. Thậm chí dẫn đến cảnh dòng tộc lâm cảnh “vô phúc đáo tụng đình”. Từ đó, mộ của nhà nào nhà nấy lo nấy cúng, xong mạnh ai nấy về, không còn cảnh quây quần, rộn rã…
Không biết xã hội ngày càng phát triển, đất đai ngày càng “quý hiếm”, hỏa thiêu được xem là một hình thức văn minh thanh sạch thay cho địa táng thì quan niệm “sống cái nhà/ thác cái mồ” của người Việt sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Nhưng hiện tại, ngày tảo mộ cuối năm vẫn còn giá trị như một hiệu lệnh thúc giục mọi con dân Việt Nam dù đi đâu, làm gì cũng nhớ quay về. Ở đó dù giàu sang hay nghèo khó vẫn ấm áp tình gia đình nghĩa dòng tộc.