Trung Quốc và Hoa Kỳ mạnh tay mua vào, xuất khẩu cá tra kỳ vọng 'lội ngược dòng'
(DNTO) - Mặc dù quý IV/2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã "rớt đáy" với 475 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Song, ngay những ngày đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp cá tra đã hồ hởi hơn về sự hồi phục đơn hàng từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tháng 1/2023, ước tính của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 106,8 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.Tuy vậy, con cá "tỷ USD" này của Việt Nam đang nhận được những tín hiệu tích cực về sự hồi phục đơn hàng từ các thị trường.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Nam Việt, hiện nay, nguồn nguyên liệu sản xuất khá ổn định nhờ vùng nuôi rộng tới 1.000 ha, cùng với lực lượng công nhân trở lại làm việc đầy đủ, nên tập đoàn đẩy mạnh chế biến xuất khẩu. Đơn hàng xuất khẩu của công ty đã lấp đầy công suất đến quý I/2023, và tất cả đơn hàng đều được ký với giá cao.
Theo phân tích cùa bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trước tác động của lạm phát khiến đơn hàng từ các thị trường giảm, nhưng so với các ngành hàng khác, cá tra vẫn có triển vọng khả quan hơn trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số doanh nghiệp xuất khẩu đông đảo nhất. Năm 2022, có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, mang về doanh số hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng xuất khẩu cá tra.
Với 712 triệu USD trong năm 2022, cá tra chiếm 40% xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc - là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Người Trung Quốc đang có xu hướng ưa chuộng cá tra hơn cá rô phi. Chi phí vận chuyển hàng hóa cũng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu cá tra sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.
Trong báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), công ty kỳ vọng Trung Quốc mở cửa có thể khiến cho lượng tiêu thụ cá tra của nước này tăng lên đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung cá thịt trắng khác như cá Minh Thái từ Nga đang sụt giảm...
Theo đó, Agriseco cho rằng IDI, Nam Việt và Vĩnh Hoàn là những doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa. Cơ cấu doanh thu từ thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp này lần lượt 40-50%; 20-30% và 10-15%.
Tương tự, Mỹ là khách hàng lớn thứ hai của con cá tra Việt Nam, với kim ngạch năm 2022 đạt 537,2 triệu USD, tăng 45% so với năm 2021. Diễn biến cung- cầu cá thịt trắng tại thị trường này đang có lợi cho cá tra. Các chuyên gia và thương gia tại thị trường Mỹ đều nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường Mỹ trong năm 2023. Hai loài này đều có giá phù hợp và nguồn cung ổn định.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, kinh tế Mỹ có tín hiệu hồi phục nhẹ, bên cạnh đó, việc nhiều gia đình tại Mỹ thay đổi thói quen tiêu dùng kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, trong đó có việc tiêu dùng hải sản tại nhà thay vì ra các cửa hàng và thường mua những mặt hàng hải sản có giá thấp hơn, sẽ là cơ hội tốt để sản phẩm cá tra của Việt Nam tiến gần bàn ăn của các gia đình Mỹ và giành được thị phần tại thị trường khó tính này trong năm 2023.
Mặc dù xuất khẩu cá tra đem về 2,4 tỷ USD trong năm 2022, nhưng đến nay cá tra vẫn chủ yếu xuất khẩu với sản phẩm đông lạnh và rất ít sản phẩm được chế biến sâu vẫn là "nốt trầm" của ngành hàng này. Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT công bố, hiện tại cứ 10 sản phẩm cá tra được mang đi xuất khẩu, có đến 9 sản phẩm thuộc dạng phi lê đông lạnh và chỉ có 1 sản phẩm được chế biến sâu.
Để xuất khẩu thủy sản "thoát dần" sự phụ thuộc vào các sản phẩm đông lạnh, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2023, ngành thủy sản phải chú trọng đến các giải pháp như tăng cường chế biến sâu; nguồn nguyên liệu phải truy xuất được nguồn gốc và xúc tiến thương mại với các thị trường một cách linh hoạt thông qua 17 FTA thế hệ mới... Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường chế biến sâu thủy sản gắn liền với công tác xuất khẩu.
Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, về mặt định hướng thì các doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cho các thị trường xuất khẩu trong năm 2023, với kỳ vọng thị trường xuất khẩu sẽ ấm lại trong một khoảng thời gian nữa, và các doanh nghiệp cũng sẽ nỗ lực để theo đuổi chiến lược này.