Sau thời gian tăng trưởng nóng, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc 'lao dốc' với mức giảm 46%
(DNTO) - Sau khi liên tục tăng trưởng cao trong 10 tháng đầu năm, tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đột ngột lao dốc trong tháng 11 với mức giảm 46%, chỉ đạt trên 37 triệu USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong tháng 11 sụt giảm do chính sách Zero Covid với những hạn chế kéo dài, khiến thị trường thuỷ sản Trung Quốc suy yếu, kéo theo nhu cầu thuỷ sản và giá thuỷ sản trên thị trường giảm mạnh.
Số liệu thống kê và thu thập tại 68 chợ đầu mối trên toàn quốc cho thấy trong tháng 9/2022, doanh số bán hàng thủy sản giảm 19,6% so với tháng 9/2021, giá hải sản trung bình ở mức 3,41 USD/kg, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thủy sản nước ngọt giảm 6,3% xuống mức trung bình 2,64 USD/kg, trong khi khối lượng thủy sản nước ngọt bán ra giảm 16,5%, cho thấy tác động của việc phong tỏa do Covid của Trung Quốc.
Cũng theo VASEP, dù xuất khẩu trong tháng 11 quay đầu giảm mạnh, nhưng tính chung 11 tháng, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 636 triệu USD tăng 81% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu sang Hồng Kông - Trung Quốc đạt gần 38 triệu USD, tăng 46%. Riêng sản phẩm cá tra phile đông lạnh mã HS 0304 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 472 triệu USD, chiếm 74% giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này.
Sản phẩm cá tra của Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc qua 24 cảng/cửa khẩu của nước này. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Quảng Đông, chiếm 29-30%, Thiên Tân khoảng 12%, Sơn Đông 12%, Thượng Hải 11%. Tiếp đến là Trạm Giang 105, Bắc Kinh 9%, Phúc Kiến 8% và Quảng Tây, Hồ Bắc, Liêu Ninh, Giang Tô…
Nếu xét theo thị trường xuất khẩu, doanh thu từ 2 quốc gia xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn là Mỹ và Trung Quốc đã đồng loạt giảm mạnh, lần lượt giảm ở mức 13% và 60%.
Cụ thể, mới đây, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã chứng khoán: VHC) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 11/2022. Theo đó, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn trong tháng 11 đạt 893 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 10%.
Đáng chú ý, doanh thu cá tra được ghi nhận là 480 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 22%. Đây là tháng duy nhất trong năm doanh thu cá tra ghi nhận mức tăng trưởng âm. Tuy nhiên, đây vẫn là nguồn thu chính của Vĩnh Hoàn.
Dự báo tháng cuối năm nay, xuất khẩu cá tra sẽ giảm sâu hơn nữa, thậm chí đà sụt giảm này còn kéo dài sang cả đầu năm sau. Lạm phát đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường nhập khẩu. Đồng thời, những yếu tố này cũng khiến cho nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý đầu năm sau gần như đình trệ.
Đánh giá chung đối với giai đoạn 2023-2024, nguồn vốn cho những doanh nghiệp này ở quy mô vừa và nhỏ vẫn chủ yếu dựa vào các ngân hàng. Để có được nhiều nguồn vốn, các doanh nghiệp cần phải quản lý tài chính tốt. Đồng thời, họ cũng cần phải nghiên cứu làm thế nào để nguồn vốn nhẹ nhất, thanh khoản tốt nhất.
Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp này không nên phát triển theo kiểu tăng trưởng đến đâu thì đầu tư đến đó. Thay vào đó, họ nên hạn chế đầu tư và chỉ chú trọng đầu tư vào những thứ cốt lõi. Nếu như làm được những điều này, quy mô tăng trưởng sẽ cao hơn so với quy mô vốn, nhờ đó mà các doanh nghiệp có thể xoay xở được trong những giai đoạn khó khăn.
Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số doanh nghiệp xuất khẩu đông đảo nhất. Năm 2022, tính đến thời điểm này có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc.
VASEP đánh giá, trong thời gian tới, diễn biến thị trường Trung Quốc vẫn còn khó đoán và phụ thuộc đáng kể vào việc nước này điều chỉnh ra sao về chính sách kiểm soát Zero Covid. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuỷ sản thế giới và Việt Nam đều kỳ vọng vào sự ổn định của thị trường này vì đây vẫn là thị trường tiêu thụ cao bậc nhất hiện nay.