Vui - buồn con cá tra
(DNTO) - Cũng cái nắng, cái gió, lòng người hiền hậu và phóng khoáng như nhiều nơi ở mảnh đất miền Tây yêu thương, nhưng chuyện về Đồng Tháp sau mỗi chuyến đi có lẽ kể hoài không bao giờ hết. Sen Đồng Tháp Mười, quýt Lai Vung, làng hoa Sa Đéc... và có lẽ ấn tượng nhất là con cá tra từ “cái nôi” Hồng Ngự.
Từ bè cá ven sông… thành ngành công nghiệp triệu đô
Dù được nuôi ở hầu hết các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng con cá tra ở Hồng Ngự lạ lắm. Khí hậu, thổ nhưỡng hay chính nguồn nước nơi đây khá “hạp” với con cá khiến chúng tăng trưởng khỏe, năng suất dồi dào hơn nhiều vùng đất khác. Chưa kể, giữa không gian đất trời xứ Sen hồng, con cá như có độ thơm và béo hơn với hàng chục món ăn được chế biến cầu kỳ.
Ngay từ những năm 1940, người dân Hồng Ngự đã biết đến cá tra và bắt đầu làm giàu, đổi đời nhờ con cá này. Vốn là loài cá thiên nhiên xuôi dòng Mekong về hạ nguồn, thuở đầu để có nguồn giống, vào mùa nước lên, người dân phải ra sông dùng lưới săn cá.
Đầu những năm 1990 là thời kỳ cực thịnh của cá tra giống đánh bắt từ thiên nhiên. Tuy nhiên nhu cầu nuôi ngày càng mở rộng, nguồn cá giống tự nhiên không kham nổi. Đó cũng là thời điểm các kỹ thuật ươm cá tra giống nhân tạo phát triển và từng bước được người dân Hồng Ngự học hỏi, nhân rộng mô hình.
Theo đó, Đồng Tháp trở thành địa phương đi đầu trong nghề nuôi cá tra lấy thịt. Từ bè tre chuyển sang bè gỗ trên sông, rồi đến những vùng nuôi quy mô lớn với công nghệ hiện đại khép kín, cùng đó là các ngành công nghệ phụ trợ như chế biến, đông lạnh, vận chuyển, hậu cần xuất khẩu... cũng lần lượt kéo nhau đi cùng. Giờ đây, con cá tra đã mang lại hàng trăm triệu đô cho Đồng Tháp.
Tại một hội nghị diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn vui mừng cho biết, Đồng Tháp hiện đang dẫn đầu ĐBSCL ở ngành hàng này với diện tích, sản lượng lần lượt chiếm 33% và 35% toàn vùng. Hiện cả tỉnh đã tự chủ được khoảng 20 tỷ con cá tra bột, khoảng 1,3 tỷ con cá giống, đủ cho nhu cầu nuôi thương phẩm trong tỉnh và một số địa phương lân cận.
Đồng Tháp hiện có 28 nhà máy chế biến cá tra và phụ phẩm cá tra cho công suất chế biến trên 500.000 tấn/năm. Cá tra của tỉnh vươn xa, đi đến 134 nước trên thế giới, đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 900 triệu đô la. Trong định hướng phát triển đến năm 2025, tỉnh đặt kế hoạch 2.450ha diện tích nuôi; sản lượng 555.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt con số 980 triệu đô la.
Con cá tra giờ không chỉ luẩn quẩn đâu đó ở “ao làng” mà đã chu du đi rất xa. Ở một góc trời Tây nào đó, bạn cũng sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những miếng cá fillet của Việt Nam được tẩm bột chiên giòn ăn cùng khoai tây chiên (fish và chip) bán nơi hè phố, giá cả hợp lý và vô cùng thơm ngon.
Còn đó nhiều trăn trở
Con cá tra đi cùng với sự thay da đổi thịt, chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất Sen hồng nói riêng và vùng đất Chín Rồng nói chung. Tuy nhiên, khi thế giới đã quá quen thuộc với con cá tra, nhiều nước bắt đầu chú ý phát triển con cá này, đường đi của con cá tra Việt Nam đứng trước nhiều thách thức.
Nền kinh tế thế giới bị đe dọa bởi lạm phát; cuộc xung đột Nga-Ukraina; thị trường lớn Trung Quốc trải qua thời gian dài thực thi chính sách Zero Covid… những nguyên nhân đang khiến nhu cầu với sản phẩm cá tra bị suy giảm, cùng đó là chi phí đầu vào như thức ăn, cá giống… tăng lên làm khó cho người nuôi trong nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hà Luân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồng Ngự cho biết: “Giá thức ăn tăng cao thời gian qua đã làm tăng giá thành sản xuất cá tra, dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế của ngành này. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ của từng thị trường thiếu ổn định qua các năm cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, chế biến của người dân và doanh nghiệp”. Ngoài ra, cũng theo ông Luân, những tác động của biến đổi khí hậu cũng đang là trở ngại bởi khiến bệnh trên cá tra xảy ra với tần suất nhiều và khó điều trị hơn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, nhất là trong giai đoạn cá giống.
Trong bối cảnh đó, giá cá tra fillet lại không có nhiều cơ hội tăng cao như trước đây đã đặt các doanh nghiệp vào thế khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Việc chưa đặt ra "giá sàn” với mặt hàng cá tra cũng khiến thị trường dễ bị biến động.
“Trước đây, cá tra Việt Nam gần như độc quyền trên thế giới khi có tới 95% sản lượng đến từ Việt Nam nhưng giờ chỉ còn 70% do một số nước khác như Indonesia, Myanmar, Malaysia… bắt đầu phát triển ngành cá tra. Nhưng đây vẫn là một tỷ lệ cao. Tuy nhiên, điều đáng nói là tới nay các doanh nghiệp vẫn chưa thể ngồi lại với nhau để thống nhất áp dụng mức giá sàn với sản phẩm này”, ông Trần Huy Hiển, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp, hiện là CEO Công ty TNHH Phụ gia thực phẩm Pha Lê (Crystal FoodTech), cũng là người nhiều năm ở cương vị lãnh đạo của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, trăn trở.
Theo ông Hiển, với bất kể ngành hàng nào cũng vậy, nếu có giá sàn sẽ tránh được tình trạng cạnh tranh về giá, ví dụ mạnh ai người đó giảm giá để giành giật thị trường và khách hàng. Do đó, “sự đoàn kết, đồng lòng giữa các doanh nghiệp cá tra trong tỉnh và cả nước” là điều được ông Hiển đặc biệt nhấn mạnh.
Điều đáng nói nhất hiện nay là cá tra dù có vùng vẫy ở nước ngoài nhưng với thị trường trong nước vẫn là khe cửa hẹp, khi sản phẩm chưa nhận được sự ưa chuộng của người tiêu dùng nội địa. Đây vẫn là câu chuyện của nhiều năm tới, tuy nhiên chúng ta có quyền hy vọng như mong mỏi của Bí thư Thành ủy Hồng Ngự, ông Lê Hà Luân: “Tôi mong rằng sản phẩm cá tra sẽ chinh phục hoàn toàn thị trường trong nước để con cá này trở thành sản phẩm quốc gia đúng nghĩa”.