Trung Quốc phấn khởi với GDP quý 1 vượt dự đoán
(DNTO) - Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng vượt dự kiến trong quý đầu 2024, giúp các quan chức trong nước thở phào. Quốc gia này đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng trong khi phải chống chọi với việc ngành bất động sản èo uột và nợ nần địa phương ngày càng tăng.
Các dữ liệu mới được chính phủ Trung Quốc tung ra hôm nay, thứ Ba, 16/4, cho thấy trong quý 1, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng vượt hơn các dự đoán.
Trong các tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp chính sách tài chính và tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu GDP 2024 5%, một mục tiêu mà các chuyên gia phân tích cho là đầy tham vọng. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái rất có thể là nhờ sự hồi phục sau đại dịch Covid-19 trong 2022.
Cụ thể, bản báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,3% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 so với năm trước, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích ở vào khoảng 4,6% và cao hơn một chút so với mức tăng trưởng 5,2% trong ba tháng trước đó.
Jeff Ng, người đứng đầu chiến lược vĩ mô châu Á tại SMBC ở Singapore, cho biết: “Kết quả này rất khả quan cho nền kinh tế (Trung Quốc). Tốc độ tăng trưởng hiện tại có vẻ đã ổn định, bằng chứng là dữ liệu tháng 3 không có gì đáng ngạc nhiên… Tôi nghĩ tâm lý chung vẫn đang nghiêng về phía e ngại đi xuống. Tôi dự đoán điều này sẽ thay đổi, có thể là trong quý cuối cùng của năm 2024”.
So với cùng quý năm ngoái, GDP của Trung Quốc tăng 1,6% trong quý đầu, cao hơn mức dự báo tăng trưởng 1,4%.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã phải vật lộn để đạt được sự phục hồi bền vững sau hậu quả đại dịch Covid. Đó là chưa kể những gánh nặng đến từ suy thoái bất động sản kéo dài, các khoản nợ chồng chất của các vùng địa phương và chi tiêu từ khu vực tư nhân yếu kém.
Để đối phó, chính phủ Trung Quốc đang dựa vào xây dựng cơ sở hạ tầng - một chiến thuật quen thuộc, để giúp vực dậy nền kinh tế, trong khi người tiêu dùng nước này ngày càng trở nên thận trọng trong chi tiêu và các doanh nghiệp thiếu tự tin để mở rộng hoạt động.
Trong tháng 3, lạm phát của Trung Quốc đã hạ nhiệt hơn dự kiến, nhưng hiện tượng giảm phát giá sản xuất vẫn tiếp diễn, cho thấy nhu cầu trong nước yếu dần và thị trường đang đòi hỏi nhiều biện pháp hỗ trợ.
Một điều đáng lưu ý khác là tuy nền kinh tế Trung Quốc đã có một khởi đầu vững chắc trong năm nay, nhưng dữ liệu tháng 3 về xuất khẩu, lạm phát tiêu dùng và cho vay ngân hàng cho thấy đà tăng trưởng có thể chững lại một lần nữa.
Dữ liệu về sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ được công bố cùng với báo cáo GDP cũng cho thấy đà tăng trưởng đang chậm lại. Sản lượng công nghiệp trong tháng 3 tăng 4,5% so với một năm trước đó, thấp hơn so với mức dự báo là 6,0% và vẫn thấp hơn mức tăng 7,0% so với thời kỳ từ tháng 1 đến tháng 2.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ, thước đo tiêu dùng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng dự báo là 4,6% và chậm lại so với mức tăng 5,5% của giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2. Đầu tư tài sản cố định tăng 4,5% trong ba tháng đầu năm 2024, so với kỳ vọng 4,1%. Con số này đã đi lên 4,2% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2.
Alvin Tan, người đứng đầu chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets, Singapore, cho biết: “Nhìn bề ngoài, các con số có vẻ rất tốt... nhưng tôi nghĩ động lực tăng trưởng thực sự khá yếu vào tháng cuối cùng của quý 1”.