Trọng trách của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực
(DNTO) - Thành công hay thất bại trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng có ý nghĩa quan trọng đối với thành công hay thất bại trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho nên, đấu tranh đẩy lùi nguy cơ tham nhũng và tiêu cực là vấn đề hết sức quan trọng mà báo chí được giao trọng trách lớn.
Trong hành trình đổi mới và phát triển đất nước, báo chí có vai trò quan trọng, không chỉ bám sát thực tiễn đất nước, khai thác, khám phá, phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, mà còn đi tiên phong trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng chính là vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Tham nhũng được nhân dân Việt Nam coi là "quốc nạn", là một trong những nguy cơ làm tàn hại đất nước. Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản, tiền của nhà nước, tổ chức và công dân của những người có chức quyền. Đây là căn bệnh của xã hội từ khi có nhà nước. Nó gây ra nhiều thiệt hại to lớn về tài chính; làm suy yếu bộ máy tổ chức; mất lòng tin của nhân dân, mất ổn định kinh tế - xã hội. Tham nhũng và chống tham nhũng hiện nay không những là vấn đề cấp bách ở Việt Nam, mà còn là vấn đề của toàn cầu và đã có Công ước quốc tế về chống tham nhũng. Tại diễn đàn quốc tế chống tham nhũng lần thứ hai họp ở Hà Lan cuối tháng 5/2001 đã nhấn mạnh: Chính phủ các nước cần phải nhận ra rằng, chống tham nhũng là một vấn đề quan trọng trong hợp tác quốc tế. Muốn chống tham nhũng chúng ta phải cảnh báo về tệ nạn này và có sự phối hợp đồng bộ ở cấp quốc gia và quốc tế giữa ba thành phần: Chính phủ, xã hội và các tổ chức kinh doanh... Hội nghị quốc tế chống tham nhũng lần thứ 10 tại Praha, Cộng hòa Séc, tháng 10/2001 cũng đã nhấn mạnh rằng, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, cần có tiếng nói chung và hành động chung ở tầm quốc tế. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng là cực kỳ quan trọng.
Trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Lê-nin đã yêu cầu báo chí bên cạnh việc cổ vũ động viên những điển hình tiên tiến, những tấm gương cụ thể, sinh động trong mọi lĩnh vực của đời sống để giáo dục quần chúng, phải: "tiến hành cuộc chiến tranh thật sự, thẳng tay và chân chính cách mạng, chống những kẻ đại biểu cụ thể cho những hành vi xấu xa" và Người coi đấy "là nhiệm vụ chính của báo chí trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản"[1]. Lê-nin đòi hỏi, vấn đề nâng cao kỷ luật tự giác của người lao động, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, xa hoa, lãng phí để xây dựng chủ nghĩa xã hội phải là "đại bộ phận những bài vở đăng lên báo chí". Người căn dặn: Báo chí phải vạch ra những khuyết điểm trong đời sống kinh tế của mỗi một công xã lao động, phê phán một cách thẳng tay những khuyết điểm đó, công khai vạch trần tất cả những ung nhọt trong đời sống kinh tế và do đó dựa vào dư luận xã hội của quần chúng lao động để chữa những ung nhọt đó.
Bác Hồ cũng đặt vấn đề chống tham nhũng như một nhiệm vụ cấp bách để làm trong sạch đội ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước. Người nói: "Tham ô, lãng phí và quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến là một thứ giặc ở trong lòng, "giặc nội xâm". Tiêu cực, tham nhũng đã gây nên những hậu quả khôn lường cả về mặt kinh tế, chính trị và xã hội. "Nó làm hỏng tinh thần trong sạch... phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính... Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của chính phủ và của nhân dân"[2] . Vì thế, báo chí tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng cũng quan trọng và khẩn trương như đánh giặc ngoài mặt trận.
Ghi sâu lời dạy của Bác, báo chí nước ta từ nhiều thập kỷ qua đã tích cực đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, tình cảm, tri thức, nhân cách, đạo đức, lối sống, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhưng có thể nói, bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, với phương châm "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”, thì báo chí nước ta mới thật sự mang hơi thở mới, sinh khí mới. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng sôi động, nhiều vụ việc tiêu cực được phanh phui trên cả báo chí Trung ương và địa phương. Từ đó đến nay, báo chí chúng ta vẫn "công khai và thẳng thắn", tiếp tục phê phán mạnh mẽ những tập thể và cá nhân vi phạm pháp luật, làm giàu bất chính. Đội quân phóng viên đông đảo đã và đang khơi dậy một không khí phê bình công khai, thẳng thắn và dân chủ; đồng thời tích cực hỗ trợ cho các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, giữ vững kỷ cương, phép nước. Trong nhiệm vụ chống tham nhũng hiện nay, báo chí có vai trò quan trọng trực tiếp đóng góp vào việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, làm cho dân bớt khổ, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để báo chí tham gia chống tiêu cực, tham nhũng không gây phản tác dụng. Muốn đạt yêu cầu đó, nhà báo khi viết bài chống tham nhũng phải xác định đúng trọng tâm và mục tiêu, viết với thái độ và động cơ trung thực, trong sáng, có trách nhiệm, đúng mức, không nói tràn lan, nếu có vụ việc tiêu cực phải rõ địa chỉ, tránh thổi phồng, nói chung chung hoặc "vơ đũa cả nắm" gây mơ hồ lẫn lộn trong dư luận. Mặt khác cũng không nên quên một sự thật rằng bên cạnh những mặt tiêu cực, trong cuộc sống cũng xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương sáng, những điển hình tiên tiến ở khắp mọi nơi. Những thành tựu của công cuộc đổi mới đang thức dậy những tiềm năng và những nhân tố mới. Làm sao chống tiêu cực, tham nhũng là để "xây" và "xây" là để "chống". Phương pháp này thật đúng, nhưng "chống" thế nào để mang tính "xây" là tùy thuộc vào tài năng của mỗi nhà báo.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra sôi động trong toàn xã hội. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn tồn tại nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Vì thế, muốn phát hiện được các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, trước hết các nhà báo phải đi sâu vào các mặt sản xuất và đời sống của nhân dân, khai thác, khám phá và phát hiện những hiện tượng làm cản trở sản xuất, những "con sâu” đang đục khoét vào đời sống của người lao động, những nguyên nhân kìm hãm tài năng sáng tạo của quần chúng chỉ đích danh nó, đồng thời nêu biện pháp ngăn chặn, khắc phục những trở ngại đó, Nhà báo phải tạo ra dư luận mạnh mẽ lên án những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng nảy sinh trong cuộc sống lao động; thời lãng phí, chây lười, làm ăn gian dối; những tính tản mạn, vô tổ chức theo kiểu sản xuất chụp giật, hoàn toàn không phù hợp với tác phong công nghiệp hiện đại.
Đương nhiên, báo chí chúng ta chống tham nhũng, chống hành vi xấu phải gắn liền với xây dựng cái đẹp; phê phán những kiểu làm ăn sai trái, khuất tất đồng thời phải nhanh chóng nhận rõ và phổ biến các phương pháp làm ăn phù hợp với yêu cầu mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của nước ta. Báo chí với vũ khí sắc bén của mình, kiên quyết đấu tranh chống thái độ và hành vi trì trệ, hoặc quá đà, chống sự phô trương, lãng phí, làm ăn kém hiệu quả; kịp thời cổ vũ những tấm gương lao động nhiệt tình, sáng tạo... Đây cũng là cuộc đấu tranh cho cái tốt thắng cái xấu xa, đấu tranh cho phương hướng đúng, cho cái mới hình thành lúc đầu là cá biệt được phổ cập hóa, trở thành hiện thực phổ biến vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Để thực hiện thắng lợi trọng trách được giao phó đó, báo chí chúng ta cần có sự phối hợp thường xuyên với nhau, nhất là khi gặp những vụ tham nhũng lớn, phải cùng "đồng loạt nổ súng" và truy kích đến cùng. Ở đây yêu cầu nhà báo phải điều tra chính xác, trung thực, có địa chỉ cụ thể, chú ý phát hiện một cách đích xác, chứ không chỉ miêu tả sự việc đã rồi. Cùng một sự việc, có thể các nhà báo có quan điểm khác nhau; mỗi tờ báo với nguồn tài liệu thu thập được, có thể phản ánh dưới lăng kính của mình, thậm chí trao đổi, tranh luận để tìm ra sự thật, tiếp cận chân lý.
Đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề không đơn giản. Báo chí chúng ta phải thâm nhập sâu sát vào cuộc sống, nhìn nhận và phân tích sắc sảo dưới nhiều góc cạnh để chỉ ra chân tướng của kẻ tham nhũng với nhiều thủ đoạn gian xảo, tinh vi. Bác Hồ dạy: "Các báo chí phân biệt: có thứ trộm cắp xấu xa, kín đáo, có thứ trộm cắp "đường hoàng". Báo chí phải "gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc ấy", "gây nên một cuộc vận động trong công nông chống trộm cắp; làm cho lũ trộm cắp "đường hoàng" cũng như trộm cắp kín đáo - Không sống còn được"[3]. Đây là một công việc khó khăn, phức tạp, hiểm nghèo, nhưng nhà báo không được phép lùi bước, phải làm thật tốt để đáp ứng đòi hỏi chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần thực hiện công bằng xã hội, khôi phục trật tự kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Báo chí tham gia và tham gia đắc lực chống tham nhũng, làm sáng tỏ, đưa ra công khai, phơi bày trước dư luận xã hội những sự thật để nhân dân phán xét. Chính từ sự phán xét của đông đảo quần chúng nhân dân mà dư luận xã hội có sức mạnh. Sức mạnh đó cũng chính là nguồn tiếp sức cho báo chí nâng cao tính chiến đấu của mình. Và ngược lại, nhờ sức mạnh của công luận mà quần chúng nhân dân được cổ vũ, tạo thêm quyết tâm và dũng khí đấu tranh.
Báo chí đấu tranh chống tham nhũng chính là để nhằm góp phần vào công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội, vào quá trình dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội; là biện pháp để xây dựng, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên về nhân cách, đạo đức, lối sống. Vì thế, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, báo chí chúng ta không chỉ nhằm vào các hành vi tham nhũng và những con người cụ thể, mà còn nhằm vào việc xử lý chính môi trường tạo ra tiêu cực, tham nhũng. Bên cạnh việc giáo dục, đấu tranh chống lại sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan nhà nước, báo chí đồng thời phải góp phần tích cực vào việc đổi mới các hình thức tổ chức quản lý, các cơ chế chính sách nhằm hạn chế và đi đến xóa bỏ tận gốc những điều kiện phát sinh, phát triển tham ô, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội khác.
Yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng là phát hiện cho được những khe hở của chính sách và góp phần hoàn thiện nó. Đây là việc làm có tính thời sự trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi vì, do có nhiều sơ hở trong quản lý đã tạo điều kiện cho bọn tham nhũng hoành hành, làm thoái hóa biến chất một bộ phận cán bộ của Đảng và Nhà nước ta. Trong đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta hiện nay, những hoạt động mang tính chất phòng ngừa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì những hoạt động này nhằm hướng tới đến thủ tiêu những nguyên nhân và điều kiện đẻ ra tham nhũng. Báo chí muốn tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng một cách có hiệu quả thì trước hết và chủ yếu phải bằng những hoạt động phòng ngừa.
Thành công hay thất bại trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng có ý nghĩa quan trọng đối với thành công hay thất bại trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho nên, đấu tranh đẩy lùi nguy cơ tham nhũng và tiêu cực là vấn đề hết sức cấp bách. Nhưng sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng, có thể khắc phục một cách cơ bản, loại bỏ mọi hành vi tham nhũng trong một thời gian ngắn, vì tham nhũng có căn nguyên từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan phức tạp. Đây là cuộc đấu tranh gian khổ, kiên trì, liên tục, đòi hỏi sử dụng tổng hợp các biện pháp, các lực lượng, trong đó báo chí có vai trò xung kích rất quan trọng.
[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t 37, tr 109.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t 6, tr 490.
[3] Hồ Chí Minh: Sđd, t 6, tr 500 – 501.