Tháng Sáu cùng niềm vui lặng lẽ
(DNTO) - Hồi bé tôi luôn nghĩ sau này tôi sẽ trở thành một ký giả nổi tiếng chỉ vì tin vào một đều rất ất ơ là suốt mấy năm trung học, tôi toàn được bầu làm trưởng ban báo chí.
Chưa kịp kiểm chứng xem niềm tin ấy có trở thành sự thật hay không thì năm cuối trung học của tôi rơi đúng vào khúc quanh lịch sử 30/4 với sự kiện giải thể đại học báo chí và hàng loạt đại học có liên quan. Tôi xếp ước mơ được trở thành ký giả vào trong ký ức.
Ơn trời, mấy chục năm sau, tình cờ tôi được nhận vào làm nhân viên mo rat trong một tòa soạn báo. Tôi tràn trề hạnh phúc thấy mình như được bước chân vào “ngôi nhà mơ ước”.
Từ đó, mỗi năm cứ đến ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam – ngày dành riêng để kỷ niệm, tôn vinh, tri ân các người làm báo đã cống hiến trí tuệ và công sức góp phần cho sự phát triển của báo chí nước nhà, không dám nhận mình là nhà báo, tôi lặng lẽ tận hưởng hạnh phúc theo cách của riêng mình.
Tháng Sáu lại về, tháng sáu với với sen hồng, phượng thắm, với những cơn mưa phong kín đường về… với bao nhiêu sự kiện, diễn biến của xã hội, vui có buồn có, tôi lại lặng lẽ tận hưởng hạnh phúc của riêng mình. Không dưng lòng tôi bồi hồi nhớ về tuổi học trò, nhớ những ngày háo hức cùng bạn bè làm bích báo (sau này gọi là báo tường).
Làm bích báo là một trong những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò mà ai cũng đã từng trải qua, huống hồ gì một trưởng ban báo chí kiên trì “bám” chức vụ như tôi. Tôi vẫn hằng tin không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người cũng từng ấp ủ đam mê và ước mơ trở thành nhà báo bắt đầu từ những ngày ngồi cậm cụi tô vẽ từng bức tranh, nắn nót từng con chữ lên những trang báo tường thuở còn đi học.
Hồi đó, chúng tôi thường làm bích báo vào dịp Tết để trưng bày hội Xuân và dịp cuối năm học để tham dự trại hè. Mỗi kỳ làm bích báo nhà trường đều tổ chức thi đua giữa các lớp với nhau.
Khởi động cho sự kiện này là một không khí háo hức, tất bật, rộn ràng, khẩn trương… không chỉ với “ê kíp” làm báo mà bao trùm cả lớp học. Những ai không có “năng khiếu chuyên môn” thì lo hậu cần, thậm chí chỉ cần có mặt lượn tới lượn lui, nói cười í ới, để góp phần “biểu dương lực lượng” cũng hãnh diện khoe, đang “lu bu” làm bích báo!
Để hoàn thành một tờ bích báo, cả lớp phải chuẩn bị trước cả tháng trời. Trước tiên là tìm cho tờ báo một cái tên toát lên được chủ đề của nội dung tờ báo, đặc biệt là phải độc, lạ và không đụng hàng lớp khác. Bao giờ một cái tên cho tờ báo cũng là kết quả của những trận tranh luận, cải vã kịch liệt, thậm chí giận hờn không thèm nhìn mặt nhau suốt mấy ngày.
Tiếp theo là chuẩn bị đồ dùng làm báo. Không thể thiếu là khung báo. Có khi là một tờ giấy rocky khổ A0, có khi là một tờ bìa cứng có ẩn hoa văn. Đặc biệt có lần chúng tôi sáng kiến dùng một manh vải lụa trang trí làm khung báo, lần đó tờ báo của lớp tôi đạt giải đặc biệt toàn trường. Từ đó, mở ra một kiểu làm bích báo trên vải lụa ở trường tôi.
Mấy mươi năm qua, thế hệ chúng tôi nhiều người trở thành nhà báo, rất nhiều người là nhà báo giỏi có phần góp công của những ngày “lê lết” cặm cụi làm báo tường. Những tờ báo với cái tên rất “kêu”, đôi khi trông như một vườn hoa đầy màu sắc gắn trên tường…
Xã hội ngày càng phát triển, nền báo chí thế giới cũng như trong nước liên tục chuyển đổi. Nhiều cái hay, nhiều cái chưa hay thậm chí rất dỡ nảy sinh. Nhìn theo một góc nào đó, chuẩn mực báo chí đang có phần sút giảm, lòng tin của độc giả cũng lung lay. Trong làng báo xuất hiện hiện tượng phóng viên chuyên đi “đếm tầng”, không ít trong số đó đã phải trả giả bằng những bản án của tòa.
Tình trạng đó gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tâm lý băn khoăn, hoài nghi của dư luận về đội ngũ người làm báo hiện nay. Người ta đổ cho nền kinh tế thị trường; cho kẽ hở của luật pháp, cho áp lực hạch toán thu chi…
Nhưng thật ra tất cả đều xuất phát từ con người: Sự thiếu bản lĩnh chính trị - văn hóa, thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, thiếu kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí… mới chính là điểm mấu chốt của vấn đề.
May mắn thay, từ cái góc phủ sương mờ ấy bước ra, chúng ta vẫn tận hưởng được ánh sáng chói chang từ những thành tựu vượt bậc của nền báo chí cách mạng với hàng loạt tác phẩm báo chí lớn về đề tài chống tiêu cực đã ra đời và được tôn vinh. Vẫn còn rất nhiều nhà báo tâm huyết với nghề không quản ngại khó khăn, gian khổ thậm chí hiểm nguy, vượt qua cám dỗ. Một đội ngũ các em trẻ vẫn chọn nghề báo để dấn thân, đây chính là lực lượng chủ lực góp phần quan trọng trong bối cảnh báo chí đang trong quá trình chuyển đổi số và số hóa nội dung.
Cuối cùng, xúc động nhất vẫn là những bông hoa tươi thắm mà độc giả ưu ái dành cho đội ngũ những người làm báo đang tràn ngập trong không gian các cơ quan báo chí trong ngày 21/6.