'Tuần lễ sách Người làm báo' lần đầu tiên ra mắt bạn đọc
(DNTO) - Chào mừng kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), Hội Nhà báo Việt Nam – Hội Xuất bản Việt Nam, Sở TTTT, Báo Thanh Niên và Hội Nhà báo TP.HCM phối hợp tổ chức trưng bày, giới thiệu sách của các tờ báo, nhà báo với chủ đề 'Tuần lễ Sách của Người làm báo'
Thay mặt ban tổ chức, ông Trần Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết, mục đích của chương trình là giới thiệu đến công chúng những tác phẩm hay, hấp dẫn do các nhà báo thực hiện trong 5 năm gần đây. Thời gian qua, nhiều tác phẩm của đội ngũ nhà báo nhiều thế hệ đã được bạn đọc đón nhận nhiệt tình, bởi từ góc nhìn rất riêng biệt, nhạy bén của nhà báo, các vấn đề cuộc sống, xã hội... được ghi lại với những cảm xúc đặc biệt.
Đây cũng là "hoạt động nhằm hưởng ứng các đợt thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo T.Ư và Hội Nhà báo Việt Nam phát động, lan toả văn hoá đọc đến công chúng từ đó tạo mối liên hệ chặt chẽ hơn các nhà báo cùng đội ngũ công tác xuất bản cùng bạn đọc.
Theo đó, "Tuần lễ sách của người làm báo" không chỉ giúp độc giả diện kiến "bằng xương bằng thịt" nhiều cây bút tên tuổi trong làng báo như Hoàng Hải Vân, Thế Thanh, Lê Minh Quốc, Bùi Anh Tấn, Lại Văn Long... và nghe các nhà báo giao lưu, lắng nghe tâm tư tình cảm của họ với nghề.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN nhận định, dịp này, Ban tổ chức cũng sẽ có các hoạt động giao lưu với nhiều nhà báo đang là cộng tác viên tích cực của nhiều nhà xuất bản như: Tiểu Quyên, Hồ Huy Sơn, Lê Công Sơn... với các đề tài về văn học trẻ, văn học thiếu nhi, về vùng đất SG-TPHCM...
"Tuần lễ Sách của Người làm báo" cho thấy sự đa năng của các nhà báo, là dịp để đội ngũ những người làm báo có cơ hội thể hiện mình. Khi một quyển sách in ra, dù có thể là tập hợp dưới dạng tuyến bài hay phóng sự - ký sự thì thông qua hình thức thể hiện mới là... sách, sức hấp dẫn lại khác.
Đọc tác phẩm, độc giả có thể nhận ra được khuynh hướng viết của tác giả là gì, rồi suy nghĩ ưu tư, trăn trở của nhà báo cùng những thông điệp cuộc sống được nhắn nhủ một cách hệ thống, đường dài hơn. Từ đó, giá trị nhân văn và tính cộng hưởng mang lại từ sách sẽ hiệu quả, khiến tác phẩm có tầm vóc hơn so với việc từng bài báo đặt riêng lẻ.
Thông qua "Tuần lễ Sách của Người làm báo" chính là dịp để các bạn phóng viên trẻ hay những nhà báo chuyên nghiệp tại các cơ quan báo chí chưa có tác phẩm tham gia lần này sẽ tìm thấy cơ hội được tiếp cận với giới xuất bản, tạo động lực tìm hiểu về những cách thức tập hợp các tác phẩm báo chí để in thành sách, hoặc giới thiệu tác phẩm mới còn trong dạng bản thảo như: Thơ, truyện ngắn, bút ký, ký, trường ca... để đưa đến người đọc.
Sau thành công của chương trình này, Hội Xuất bản VN phía Nam dự định sẽ nhân rộng ra thêm ở các tổ chức hội nghề nghiệp khác ở TP.HCM (Hội Nhiếp ảnh, Hội Sân khấu, Hội Mỹ thuật, Hội Nhà văn...) để cùng với "Tuần lễ Sách của Người làm báo", độc giả thêm điều kiện có nhiều cuốn sách hay, các tác phẩm chuyên sâu về nghề của những người nổi tiếng ở đủ các lĩnh vực, góp phần làm phong phú thêm cho đời sống và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng", ông Lê Hoàng, đồng Trưởng ban tổ chức chia sẻ.
"Tuần lễ sách Người làm báo" diễn ra từ ngày 17/6 - 22/6 tại Đường sách TPHCM. Ban tổ chức dự kiến sẽ trưng bày theo hình thức: Trưng bày 10 tủ sách của các cơ quan báo chí (khoảng 100 tựa sách) theo năm xuất bản và thứ tự Aphabet của tựa sách, trưng bày sách của các cán bộ, phóng viên, CNV đã và đang công tác tại các cơ quan báo chí TP.HCM và báo chí Trung ương, địa phương có cơ quan thường trú tại TP.HCM.
Mỗi cơ quan báo chí sẽ gửi 2 tựa sách, mỗi cá nhân gửi tối đa 3 tựa sách (2 bản/tựa). Dự kiến các sách phải được xuất bản trong thời gian từ tháng 1/2018 - 6/2023. Tuy nhiên, do thời gian phát động còn gấp rút, đồng thời ảnh hưởng của hai năm đại dịch, để tập hợp được số lượng sách nhiều hơn, Ban tổ chức đã gia hạn thời gian xuất bản, không giới hạn thời gian ra đời của các tác phẩm.
Được biết, sau sự kiện trưng bày và giới thiệu, những sách này sẽ được gửi tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hà Nội) và Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nhằm mục đích lưu giữ và phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu.