Triển vọng kinh tế sáu tháng cuối năm: 'Vui thôi, đừng vui quá'
(DNTO) - PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM, đã chỉ ra 5 dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế trong nước khi nói về triển vọng kinh tế sáu tháng cuối năm. Dù vậy, theo ông, mọi lạc quan cũng sẽ là quá sớm trong môi trường nhiều bất định hiện nay.
Tổng cầu sụt giảm yếu nhất trong hơn 30 năm qua
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hai năm vừa qua, áp lực của lạm phát, lãi suất tăng cao, những bất ổn vĩ mô... đã khiến nhiều nền kinh tế bị tổn thương.
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 với chủ đề "Vượt gian khó đón tương lai" diễn ra vào hôm nay, ngày 18/7, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, năm 2023 là một năm gian khó với kinh tế trong nước và "chúng ta đang sống ở thời kỳ không biết trước được điều gì sẽ xảy ra".
Theo ông dự báo, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đúng theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 6,5%; lạm phát mục tiêu là 4,5% như dự báo của nhiều cơ quan chức năng.
Điều đáng lưu ý là tổng cầu trong nước rơi vào sụt giảm nghiêm trọng, yếu nhất trong vòng 30 năm qua.
Khu vực doanh nghiệp đang phục hồi tương đối chậm, khu vực tài chính ngân hàng bị tổn thương khi mặt bằng lãi suất tăng cao, tín dụng chậm, thanh khoản dòng tiền kém. Ngoài ra, áp lực từ lạm phát, tỷ giá hay các yếu tố vĩ mô cùng các áp lực pháp lý cũng khiến các cơ qua điều hành phải đánh đổi các mục tiêu tăng trưởng.
"Một bầu không khí bi quan, lo sợ trách nhiệm lại đang bao trùm lên nền kinh tế. Tất cả đang là lực kéo tăng trưởng kinh tế", ông Bảo cho biết.
'Ánh sáng cuối đường hầm'
Dù trong hoàn cảnh nhiều khó khăn nhưng triển vọng kinh tế sáu tháng cuối năm vẫn có 5 dấu hiệu lạc quan, "ánh sáng" đẩy nền kinh tế đi lên.
Thứ nhất, lạm phát thế giới đã bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt. Đà tăng lãi suất của Fed đã chậm lại giảm sức ép lên nền kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, tồn kho tại Mỹ, Châu Âu và các nước bắt đầu giảm, quá trình sản xuất sẽ dần hồi phục trở lại tạo động lực cho xuất khẩu trong nước. Ngoài ra, đầu tư FDI đang có chuyển biến tích cực. Dư địa phát triển du lịch của Việt Nam còn nhiều. Quý IV cũng là chu kỳ đổi điện thoại thông minh của người dân. Đây là những yếu tố có thể thúc đẩy sản xuất trong nước.
Thứ ba, sự đẩy mạnh đầu tư công và các gói hỗ trợ sẽ phát huy tác dụng hỗ trợ nền kinh tế.
Thứ tư, các chính sách tiền tệ vẫn còn nhiều dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng khi mà lạm phát có xu hướng giảm, mặt bằng lãi suất thế giới đang đi xuống. Theo đó, tổng cầu sẽ được hỗ trợ. NHNN sẽ có các chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá hỗ trợ khu vực tài chính ngân hàng. Điểm rơi để các chính sách phát huy tác dụng sẽ vào quý 3 và quý 4 năm nay.
Cuối cùng, triển vọng từ thị trường bất động sản, những nỗ lực xử lý nợ xấu từ thị trường bất động sản sẽ tạo thanh khoản và điều chỉnh giá nhà đất, tạo động lực phục hồi cho thị trường.
"Dù thanh lý bất động sản với mức giá bi quan nhưng dù sao giao dịch vẫn diễn ra, thanh khoản sẽ tạo ra, kích thích người ta quay lại với thị trường", ông Bảo cho biết.
Dù chia sẻ nhiều yếu tố lạc quan đối với triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm, tuy nhiên ông Bảo cho biết: "Vui thôi nhưng đừng vui quá. Tất cả chỉ là dự báo khi tình hình chung còn nhiều bất ổn và bất định".