TP.HCM: Thực phẩm, hàng hóa đua nhau tăng giá
(DNTO) - Giá xăng, giá gas tăng giá kéo theo việc nhiều loại thực phẩm, hàng hoá tăng giá; gây áp lực lên người tiêu dùng vốn đang lao đao sau những đợt giãn cách kéo dài.
Ghi nhận tại một số chợ ở TP.HCM như chợ Phạm Văn Hai, chợ Trần Văn Quang, chợ ông Địa (quận Tân Bình); chợ Thiếc (quận 11) giá nhiều loại thực phẩm tăng từ 3.000 đồng/kg trở lên so với thời điểm trước dịch.
Cụ thể, cà chua có giá 40.000-45.000 đồng/kg, tăng 10.000-15.000 đồng/kg; cải thảo 35.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; rau muống 20.000-25.000 đồng/kg, tăng 3.000-5.000 đồng/kg; cần tàu 60.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg; hành lá 82.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg...
Giá dầu ăn cũng tăng từ 3.000-5.000 đồng/chai tùy loại.
Đơn cử, dầu ăn Tường An giá 47.000 đồng/1 lít, Neptune 52.000 đồng/1 lít, dầu ăn Simply 56.000 đồng/chai 1 lít.
Chị Hồng, một tiểu thương chuyên bán các loại rau Quảng Ngãi tại chợ ông Địa, cho biết giá cước vận chuyển hiện nay đã tăng thêm 20.000 đồng/mỗi thùng, nên chị buộc phải tăng giá bán.
“Nhà xe nói do giá xăng dầu tăng nên phải tăng, tôi cũng không biết phải làm sao, người mua cũng than quá”, chị Hồng nói thêm.
Chị Quỳnh Châu, chuyên bán một số mặt hàng thủy hải sản miền Tây cũng cho biết, do cước phí vận chuyển từ miền Tây lên TP.HCM đã tăng nên giá các loại hải sản chị hay bán như tôm, cua, mực cũng đã phải tăng lên 10-15% so với hồi tháng 5/2021.
Trong khi đó, đại diện một số siêu thị cho biết một số đơn vị cung cấp đã đề nghị tăng giá bán áp lực tăng giá đang đè nặng lên vai các siêu thị. Tuy nhiên, nhằm kích cầu tiêu dùng, các siêu thị đang áp dụng chương trình khuyến mại. Đối với các mặt hàng có mức tăng quá cao thì siêu thị sẽ tạm ngưng nhập hàng.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, TP.HCM – đơn vị chuyên cung ứng trứng gia cầm cũng cho biết một số chi phí như chi phí hộp nhựa, phí vận chuyển và lương công nhân đã tăng cả nửa tháng nay. Theo đó, mặc dù ngay lúc này chưa thể tăng giá do sức mua yếu nhưng cuối tháng 11/2021 chắc sẽ phải tăng giá trứng.
Một số tờ báo dẫn thống kê của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2021, giá hàng hóa nhiên liệu đã tăng 33%, giá xăng dầu tăng 28%, giá nguyên vật liệu nông nghiệp dạng thô tăng 6%, giá hàng hóa đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 11% và giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 11% so với đầu năm 2021.
VEPR cũng dự báo áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm do sự gia tăng mạnh của giá sản xuất trong thời gian qua sẽ dần được chuyển vào giá tiêu dùng.