Tòa án Tối cao Mỹ chấp nhận xem xét về lệnh cấm TikTok
(DNTO) - Tòa án Tối cao Mỹ ngày 18/12 đã ra quyết định sẽ xem xét đơn kháng cáo của TikTok và công ty mẹ là ByteDance về lệnh bán ứng dụng trước ngày 19/1/2025 hoặc bị cấm vì lý do an ninh quốc gia.
Tòa án đã không lập tức đưa ra lệnh khẩn cấp để tạm dừng lệnh cấm như yêu cầu của TikTok, ByteDance và một số người dùng. Thay vào đó, họ quyết định sẽ tổ chức phiên thảo luận về vụ việc vào ngày 10/1 tới đây.
Luật này được Quốc hội thông qua vào tháng 4 và được Tổng thống Joe Biden ký ban hành. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết là một công ty cùa Trung Quốc, TikTok đã gây ra “mối đe dọa an ninh quốc gia ở mức độ và quy mô cực cao” do có thể truy cập lượng lớn dữ liệu người dùng Mỹ, từ vị trí cho tới tin nhắn riêng tư, và khả năng thao túng nội dung mà người dùng xem ở trên nền tảng. TikTok đã phủ nhận các cáo buộc và khẳng định ứng dụng không gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Trước đó vào ngày 16/12, TikTok và ByteDance đã yêu cầu Tòa án Tối cao tạm hoãn luật này vì họ cho rằng luật này vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.
Phía TikTok đã rất vui khi khi tòa án sẽ giải quyết vấn đề này. “Chúng tôi tin rằng tòa án sẽ bảo vệ quyền tự do ngôn luận, để hơn 170 triệu người dùng tại Hoa Kỳ tiếp tục sử dụng nền tảng này,” công ty cho biết.
Công ty cho biết việc tạm dừng dù chỉ trong một tháng cũng sẽ khiến TikTok mất khoảng một phần ba lượng người dùng tại Mỹ và làm suy yếu khả năng thu hút các nhà quảng cáo, tuyển dụng người sáng tạo nội dung và những nhân viên tiềm năng.
Tuy nhiên, các lãnh đạo chính trị, bao gồm Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, đã yêu cầu tòa án bác bỏ việc hoãn lệnh cấm, thậm chí ví TikTok như "một tội phạm nguy hiểm".
Lệnh cấm TikTok của Mỹ sẽ khiến công ty này mất đi nhiều giá trị hơn nhiều đối với ByteDance và các nhà đầu tư, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp phụ thuộc vào TikTok để thúc đẩy doanh số bán hàng.
Tòa Phúc thẩm Mỹ tại Quận Columbia ở Washington vào ngày 6/12 đã bác bỏ các lập luận về Tu chính án thứ nhất của công ty.
Trong quyết định của mình, tòa án quận này cho biết: “Tu chính án thứ nhất tồn tại để bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại Mỹ. Ở đây, chính phủ hành động chỉ để bảo vệ quyền tự do đó khỏi một quốc gia thù địch bên ngoài và hạn chế khả năng của đối thủ đó về việc thu thập dữ liệu về người dân tại Mỹ”.
TikTok đã phủ nhận việc họ đã hoặc sẽ chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ, cáo buộc các nhà lập pháp Mỹ trong vụ kiện đưa ra những lo ngại mang tính suy đoán.
Được biết, luật của Mỹ sẽ cấm việc cung cấp một số dịch vụ cho TikTok, trong đó bao gồm cả việc các cửa hàng ứng dụng của Apple hay Google sẽ phải xóa TikTok nếu như ByteDance không thoái vốn khỏi TikTok trước thời hạn.