Tìm kiếm doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2020
(DNTO) - Bộ Công thương vừa thông báo về việc tổ chức xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020 nhằm quảng bá doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Yêu cầu đối với doanh nghiệp tham gia xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020 là không bị cưỡng chế ngừng làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, không nợ đọng thuế, không vi phạm pháp luật về môi trường.
Trường hợp phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật Việt Nam; giải thể; thua lỗ; hoặc bị các cơ quan chức năng nước nhập khẩu cảnh báo, các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam xử lý vi phạm, các đối tác trong và ngoài nước khiếu kiện về thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về chất lượng sản phẩm, về vi phạm môi trường, về quy tắc xuất xứ hàng hóa… doanh nghiệp sẽ bị đưa ra khỏi danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” trong năm được xét chọn và không được xét chọn trong năm tiếp theo.
Tiêu chí xét chọn về kim ngạch xuất khẩu tối thiểu đối với từng nhóm hàng, tính từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2020.
Chương trình “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” do Bộ Công thương tổ chức thực hiện trong các năm qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác nước ngoài tìm hiểu và xúc tiến giao thương với doanh nghiệp Việt Nam.
Mục tiêu của hoạt động này là ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín của Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín do Bộ Công thương công bố sẽ được hỗ trợ trong các hoạt động về xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, thương mại điện tử theo quy định tại Quyết định số 910/QĐ-BCT ngày 12 /4/2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Doanh nghiệp tham gia gửi kết quả xét chọn về Bộ Công thương (thông qua Cục Xuất nhập khẩu) theo địa chỉ: số 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội muộn nhất là ngày 20/4.
Kết quả xét chọn bao gồm: Công văn tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đạt tiêu chí của đơn vị xét chọn; Đơn đăng ký của doanh nghiệp có đóng dấu của đơn vị xét chọn; Các giấy tờ xác nhận của cơ quan hải quan, thuế, môi trường và các tài liệu khác liên quan.
Năm 2020, dù dịch Covid- 19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội nhưng Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu, là năm thứ 5 liên tiếp thặng dư cán cân thương mại.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD, xuất khẩu đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19