Thị trường xuất khẩu bứt phá ngay từ đầu năm
(DNTO) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1/2021 ước đạt 3,49 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các nhóm ngành hàng chính đều có sự tăng trưởng khá, nhiều mặt hàng tận dụng thời cơ thị trường tăng tốc ngay từ đầu năm.
Tăng trưởng mạnh nhất trong các sản phẩm nông sản là mặt hàng cao su. Tiếp nối đà tăng của năm 2020, mặt hàng này đã bứt phá mạnh mẽ ngay từ tháng đầu năm. Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 1/2021 đạt 200.000 tấn với giá trị đạt 321 triệu USD, gấp 2,2 lần về khối lượng và gấp 2,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh là các mặt hàng lâm sản chính. Ước giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này trong tháng 1 đạt 1,33 tỷ USD, tăng 47,8%. Riêng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 1 năm 2021 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2020 là một năm thành công đối với ngành gỗ Việt Nam. Mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhưng trị giá xuất khẩu đồ gỗ chỉ giảm trong tháng 4 và tháng 5/2020; bắt đầu từ tháng 6/2020, xuất khẩu gỗ liên tục tăng mạnh. Sức bật của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật trong nước, cùng với các FTA đã có hiệu lực.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan trong tháng 1/2021 mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ cơn đại dịch bùng phát trở lại những ngày qua.
"Nền kinh tế vĩ mô giữ ở mức ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 0,06% so với tháng 12 và giảm 0,97% so với vùng kỳ". Ông Dũng cho biết.
Chủ nhiệm VPCP cũng hoan nghênh ngành công thương đã có những sự chuẩn bị rất tốt trong việc duy trì nguồn cung hàng hóa dịp cận Tết. Hàng hóa được đưa đến mọi địa phương, vùng sâu vùng xa.
Ông cũng cho biết thêm xuất nhập khẩu cũng tăng cao so với năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1 ước đạt 53,9 tỷ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 26,9 tỷ USD, tăng 43,7%; trong khi kim ngạch xuất khẩu là 27 tỷ USD, tăng 46,7%.
"Đây là một con số ấn tượng. Có thể nói những năm gần đây chưa khi nào chúng ta đạt được những con số ấn tượng thế này ngay trong tháng đầu năm. Đây là điều rất đáng mừng". Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng biểu dương tại buổi họp báo.
Trái ngược với tình trạng giá trị xuất khẩu giảm trong năm 2020, mặt hàng thủy sản đã có sự đảo chiều ngoạn mục với sự tăng trưởng khá mạnh. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1/2021 ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2020 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Nhờ thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 mà hoạt động sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với các thị trường nguồn cung đối thủ.
Các doanh nghiệp tôm cố gắng vừa duy trì sản xuất, linh hoạt chuyển hướng thị trường, tận dụng thời cơ, nhờ đó, giá trị xuất khẩu sang một trường lớn tăng trưởng dương khả quan như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Anh.
Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như gạo, rau quả, cà phê, tiêu… Với mặt hàng gạo, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2021 ước đạt 280.000 tấn với giá trị đạt 154 triệu USD, giảm 29,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 1, giá gạo Việt Nam tăng nhẹ 3 USD/tấn so với cuối tháng 12/2020, lên 503 USD/tấn và duy trì mức này đến hết tháng.
Bước vào năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường; xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là đối với đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải hàng không…
Ở trong nước, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025 về phát triển kinh tế-xã hội, cũng như quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Những thành tựu và tồn tại, hạn chế trong hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2020 là động lực, cũng như bài học quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này trong năm 2021, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Với triển vọng thương mại toàn cầu sẽ khởi sắc hơn khi đại dịch Covid-19 được khống chế, sự tận dụng một cách hiệu quả các điều kiện thuận lợi từ những chiến lược hội nhập, khung khổ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và sẽ ký kết, xuất, nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tốc bứt phá trong năm 2021 và những năm tiếp theo.