Tiết kiệm, thay đổi cấu trúc tiêu dùng để ứng phó trong thời bão giá

(DNTO) - Vốn rất khó khăn do ảnh hưởng sau dịch Covid-19, nay đời sống người dân càng khó khăn hơn trước cơn bão giá. Giá cả các mặt hàng tăng cao không chỉ là nỗi lo lắng của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bắt đầu từ tháng 6 người dân phải đối mặt với sự đồng loạt gia tăng giá cả hàng hóa chưa từng có. Bắt đầu từ mặt hàng dầu ăn thực vật bị điều chỉnh giá liên tục. Sau đó là đến các loại đường, muối, bột nêm, mì ăn liền, sản phẩm nhóm bột như bột mì, bột chiên xù, bột gia vị, bột làm bánh..., kéo theo nhóm hàng ăn uống tăng giá theo.
Tiếp sau đó là dược phẩm và dịch vụ y tế. Không loại trừ mặt hàng sách bút, tập vở và văn phòng phẩm... vì nguyên liệu bột giấy tăng. Ảnh hưởng trực tiếp đến mâm cơm hằng ngày là sự tăng vọt đến hàng chục phần trăm giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm như thịt heo, gà, thủy hải sản, trứng, các mặt hàng rau, củ… Nhiều gia đình đang xây dựng, sửa chữa nhà cũng lao đao vì giá nguyên vật liệu tăng, đặc biệt là mặt hàng cửa nhôm, sơn tường…

Tiết kiệm, thay đổi cấu trúc tiêu dùng để ứng phó trong thời bão giá. Ảnh: TL
Bước qua tháng 7, sự gia tăng không ngừng về giá cả các mặt hàng vẫn diễn ra trên thị trường. Theo nhiều chuyên gia giá cả hàng hóa sẽ ngày càng “nóng” lên trong những tháng cuối năm. Đến thời điểm này, “thắt lưng buộc bụng” đang là cụm từ trở thành câu cửa miệng và “phương châm sống” của tất cả mọi người. Nhưng gói ghém mà vẫn phải đáp ứng đủ nhu cầu của gia đình, bảo đảm cơ bản chất lượng bữa ăn thật là “trăm điều khó” đối với các nội tướng.
Tuy nhiên, sau nhiều phiên điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian vừa qua, người dân cũng không bất ngờ lắm với diễn biến giá cả trên thị trường nên đã có phần chủ động chuẩn bị về tâm lý, chỉ là thay đổi cách chi tiêu, thích nghi với hoàn cảnh mới như thế nào, bằng hình thức gì là tùy theo mỗi người.
Nhiều chị cho biết họ chỉ những mua sắm những thứ thật cần thiết, khi đi mua sắm ghi sẵn ra giấy các mặt hàng cần mua tránh bị “cám dỗ” trước những món hàng phát sinh. Có chị bỏ công săn lùng hàng khuyến mãi, chịu khó đi xa, mua hàng giá sỉ ở chợ đầu mối…
Có chị cho biết, chị bỏ công vào siêu thị ghi nhớ giá các mặt hàng rồi ra chợ lượn từ đầu chợ đến cuối chợ để so sánh giá. Có chị mua hàng theo gói, rủ nhóm mua chung để được giá gốc rẻ, tiết kiệm phí ship.
Với nhóm nhân viên văn phòng, nhiều người chuyển sang đi chợ online thay cho chợ truyền thống, nấu cơm mang đi làm thay vì ăn quán, “cai” xem phim, ít tụ tập săn váy, áo và mỹ phẩm giảm giá…
Với nhóm công nhân, những thành phần buôn gánh bán bưng, hoàn cảnh quá khó khăn, các nội tướng còn nghĩ ra cách đợi gần cuối buổi chợ, tuy không thể có mặt hàng tươi ngon như chợ sớm nhưng giá cả rẻ hơn.
Một bạn có nickname là Thu Anh thì cho biết: “Tôi đi chợ đầu mối cuối tuần, đóng thực phẩm vào hộp để tủ lạnh, mua thịt cá rất tươi với mức giá trung bình, tôm thay vì chọn loại 3, 4 trăm 1 ký, bạn mua loại nhỏ hơn đã rẻ hơn nửa giá. Thay vì ăn cá hồi bạn ăn cá biển, cá lóc, các loại nhu yếu phẩm gạo, mắm muối, xà bông mua số lượng nhiều ở cửa hàng sỉ.
Buổi sáng nhà tôi ăn sáng ở nhà, hôm cơm chiên, hôm mì tôm, hôm ninh xương nồi áp suất nấu bún khô, hôm bánh mì trứng, cà phê gói 3k pha tại nhà... Trái cây theo mùa, 1 máy lạnh tôi lắp thông cho 2 phòng ngủ cạnh nhau, quần áo gom đầy máy mới giặt... Các mối quan hệ cần thiết thì xã giao không thì thôi. Nhắc các con tắt điện, tắt quạt, tắt tivi khi không dùng…”.
"Sổ tài chính gia đình" cũng là một trợ thủ đắc lực giúp các nội tướng quản lý chi tiêu. Nó đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát ví tiền trong thời kỳ bão giá.
Ngoài thay đổi cấu trúc tiêu dùng, bạn cũng có thể tìm mọi cách để tối ưu các khoản thu nhập, có thể là một việc làm tay trái. Mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng may mắn nhưng cơ hội kiếm một việc làm thêm thu nhập để trang trải các chi phí trước mắt, giúp vượt qua khó khăn cũng không phải quá khó nếu chúng ta nỗ lực và chịu khó.

Giá cả tăng ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn của mọi nhà. Ảnh: TL
Giá cả gia tăng liên tục không chỉ tạo sức ép cho người dân mà đến người kinh doanh cũng điêu đứng. Giá nguyên liệu tăng, tất nhiên giá thành sản phẩm không thể không tăng, nhưng sức mua lại giảm do người dân hạn chế tối đa nhu cầu mua sắm. Có những doanh nghiệp cố giữ giá cho đến khi đuối sức mới “buông tay”. Nhưng cũng có những doanh nghiệp như các doanh nghiệp du lịch không thể không tăng giá tour trước tình trạng giá xăng liên tục đạt mốc cao kỷ lục, dẫn đến việc người muốn đi du lịch trong thời điểm này phải xoay trở, nâng lên, đặt xuống trước quyết định của mình.
Biện pháp nào để bình ổn được giá cả thị trường? Câu trả lời thuộc về các nhà quản lý. Còn theo Tiến sĩ Phạm Khánh Nam, trưởng khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế TP. HCM: "Tiết kiệm, thay đổi cấu trúc tiêu dùng là cách tốt nhất ở thời điểm hiện tại".