Tiền kéo nhau chạy vào chứng khoán
(DNTO) - Khối lượng lớn cổ phiếu giao dịch mỗi phiên, cùng đó giá trị thanh khoản cũng bật tăng, thị trường chứng khoán đang có sự thay đổi cả về chất và lượng.
Cửa rộng cho dòng tiền
Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) về thị trường chứng khoán tháng 2, lượng cổ phiếu giao dịch trung bình đạt trên 840 triệu cổ phiếu/ngày, giá trị bình quân trên 20 ngàn tỷ đồng/ngày, tăng lần lượt 16% và 25% so với tháng với tháng 1.
Tháng 3, dù chỉ mới trải qua 5 phiên giao dịch, nhưng thanh khoản và số lượng cổ phiếu khớp lệnh đã thể hiện rõ sự nổi bật. Trên HOSE, giá trị giao dịch trung bình đã đạt gần 25 ngàn tỷ đồng mỗi phiên, lượng cổ phiếu khớp lệnh cũng luôn đạt trên 1 tỷ đơn vị mỗi ngày, tăng mạnh so với con số tháng 2. Đáng chú ý, ngày 4/3, HoSE ghi nhận phiên giao dịch trên 28 ngàn tỷ đồng và gần 1,2 tỷ cổ phiếu được trao tay.
Nếu trong năm 2023, nhà đầu tư ngoại chủ yếu mạnh tay bán ròng, thì trạng thái mua ròng của khối này bắt đầu quay trở lại. Riêng tháng 2, nước ngoài đã thực hiện mua ròng trong tháng với giá trị hơn 2,3 ngàn tỷ đồng.
Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường khá hào hứng khi nhiều nhóm cổ phiếu xoay tua tăng điểm, nhiều ngành tăng 7-10% chỉ trong 2 tuần. VN-Index tăng trên 10% kể từ đầu năm. Thị trường chứng khoán đang đón nhận những con số khởi sắc mới sau một thời gian dài hơn nửa năm qua.
Có thể thấy, nhìn lại các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế, cánh cửa để dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán khá rộng.
Trước hết, lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đang giảm dần làm cho mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm xuống. Điều này, một phần thúc đẩy dòng tiền gửi tiết kiệm dịch chuyển sang kênh đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao hơn, trong đó có chứng khoán. Thực tế, quan sát thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây, chúng ta có thể dễ nhận thấy, dòng tiền sau khi chốt lời cũng nhanh chóng quay lại thị trường nhờ mức sinh lời hấp dẫn.
Một mặt khác, khi bằng lãi suất thấp cũng góp phần giúp các công ty chứng khoán thúc đẩy cho vay ký quỹ (margin), tăng sức hấp dẫn cho thị trường. Số tài khoản chứng khoán sau khi đạt đỉnh vào tháng 7/2023 có xu hướng bị đóng lại, tuy nhiên, đầu năm đến nay bắt đầu ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội. Cuối tháng 2, số lượng tài khoản cá nhân đạt 7,4 triệu tài khoản, chiếm khoảng 7,5% dân số, trong khi cuối năm 2023 là 7,3 triệu tài khoản, tương đương khoảng 7,3% dân số.
Những kỳ vọng tích cực về việc sớm vận hành hệ thống KRX, các chính sách điều hành vĩ mô, tiền tệ hay tài khoá của Chính phủ cũng được xem là những tiền đề quan trọng kích thích dòng tiền tìm về với thị trường.
Đà tăng có bền?
Theo góc nhìn của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS, hiện tại thanh khoản tăng tiềm ẩn nhịp điều chỉnh và rung lắc, nhất là khi VN-Index tiệm cận vùng nhiễu động, theo phân tích của ông từ 1.280 - 1.320 điểm.
Hiện tại do xu hướng chốt lời nên thanh khoản sẽ còn đẩy lên cao, tuy nhiên nền giá vẫn vững bởi chưa có dấu hiệu bán tháo. "Thanh khoản thị trường đang trong giai đoạn tích luỹ, khả năng sẽ còn khoảng 2, 3 tuần tới, cho đến khi xảy ra kỳ cơ cấu ETF dự báo sẽ còn cao và sau đó giảm dần", ông nhận định. Cũng theo ông, khi thị trường đã tích luỹ đủ sẽ quay đầu điều chỉnh và vùng phân phối sẽ có khoảng ba, bốn phiên.
"Những nhịp rung lắc là cần thiết để hạ nhịp thị trường, nên nếu nền giá quanh mức 1.250 điểm được giữ vững thì chỉ số sẽ tiến về vùng kháng cự 1.300 điểm", ông phân tích.
Chuyên gia của VPBankS đưa ra hai kịch bản thị trường trong ngắn hạn: Kịch bản lạc quan, VN-Index tăng tốc về vùng mục tiêu 1.280-1.320 điểm, kèm rung lắc và phân phối về khối lượng trước khi nhịp điều chỉnh xuất hiện; kịch bản thận trọng, VN-Index về dưới 1.150 điểm thì sẽ bước vào điểu chỉnh kiểm tra vùng hỗ trựo 1.160-1.170 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, 6/3, chỉ số tăng hơn 5 điểm chốt tại 1.268 điểm.