Do đâu một doanh nghiệp thép rơi vào lao đao?
(DNTO) - Thép Pomina đang cho thấy một bức tranh tương lai khá ảm đạm khi doanh nghiệp đang phải "bán" chính tài sản của mình để trả nợ và duy trì dòng tiền.
Bán tài sản để trả nợ
Nhìn vào báo cáo tài chính của Pomina vài năm gần đây có thể thấy, tình trạng thua lỗ liên tục xảy ra trong nhiều quý từ năm 2022 đến nay.
Nếu quý 1/2022, Công ty cổ phần Thép Pomina (POM) vẫn có mức lợi nhuận sau thuế khoảng hơn 70 tỷ đồng, thì bước sang quý 2, tình thế lật ngược, POM lỗ hơn 60 tỷ đồng, đến quý 3 con số lỗ tăng lên 715 tỷ đồng và cho đến quý 4/2023, POM tiếp tục gồng lỗ hơn 415 tỷ đồng.
Doanh thu sụt giảm mạnh qua các kỳ báo cáo. Năm 2022, từng có quý doanh nghiệp ghi nhận trên 4 ngàn tỷ đồng doanh thu, thì sang năm 2023, con số này giảm dần khi chỉ còn hơn 330 tỷ đồng trong quý 4. Trong khi nhiều doanh nghiệp đang từng bước hồi phục trở lại thì POM vẫn chưa thể thoát lỗ, thậm chí sâu hơn.
Cầu trong nước sụt giảm do sự chậm lại của thị trường bất động sản, thị trường xuất khẩu không thuận lợi đã gây khó cho nhiều doanh nghiệp Việt.
Đại hội cổ đông năm 2023 của Pomina diễn ra vào hôm nay, ngày 1/3, doanh nghiệp đã trình cổ đông kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp. Theo đó, một nhà đầu tư mới chưa được tiết lộ sẽ góp vốn cùng Pomina thành lập Công ty cổ phần Pomina Phú Mỹ. Đáng chú ý, doanh nghiệp này sẽ góp vốn không phải bằng tiền mà bằng hiện vật là nhà xưởng, máy móc của hai nhà máy Pomina 1 và Pomina 3.
Ước tính giá trị hai nhà máy từ 6 đến 8 ngàn tỷ đồng, sau khi trừ đi giá trị góp vốn, doanh nghiệp này kỳ vọng mang về trên 5 ngàn tỷ đồng để trang trải nợ nần, bao gồm các khoản nợ ngân hàng và nhà cung ứng. Đáng nói, công ty mới không phải do Pomina nắm quyền kiểm soát.
Pomina còn gì?
Nếu thương vụ trên suôn sẻ và thành công, công ty Pomina chỉ còn lại nhà máy Pomina 2. Tuy nhiên chính doanh nghiệp này cũng cho biết, do chi phí sản xuất cao nên họ có ý định đàm phán với nhà đầu tư mới để sáp nhập Pomina 2 vào Pomina Phú Mỹ nhằm tận dụng ưu thế lò cao.
"Cái khó nhất là phải có vốn để nhà máy chạy liên lục, do đó bán tài sản cho nhà đầu tư để lành mạnh hóa tài chính. Lò cao chạy trở lại mới là việc quan trọng nhất, để có thể đón sóng bất động sản hồi phục", Chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái cho biết.
Nhà đầu tư chiến lược chưa được công bố danh tính. Hiện doanh nghiệp khá tin tưởng vào tiến trình tái cấu trúc mạnh mẽ với sự tham gia của nhà đầu tư mới, dù phía trước họ sẽ là con đường khá khó khăn với tiềm lực hiện nay.
Tính đến cuối năm 2023, theo báo cáo hợp nhất của doanh nghiệp này, nợ ngắn hạn đã gần 8 ngàn tỷ đồng, trong đó phải trả cho người bán ngắn hạn lên tới 1,6 ngàn tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ hữu lại chỉ gần 1,6 ngàn tỷ đồng, tài sản ngắn hạn khoảng 3 ngàn tỷ đồng, đang cho thấy sự mất cân đối nguồn vốn.
Cổ phiếu POM sụt giảm mạnh thời qua. Kể từ mức giá trên 20 ngàn đồng giữa năm 2021, kết phiên giao dịch hôm nay, POM chỉ còn trên 5 ngàn đồng mỗi đơn vị. Vừa qua, động thái xả hàng mạnh từ phía người thân Chủ tịch Pomina trong bối cảnh POM ở vùng giá khá thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cổ phiếu này. Giá trị vốn hoá của POM trên thị trường chứng khoán chỉ còn hơn 1,4 ngàn tỷ đồng.
Dù vậy, nhu cầu thép năm 2024 được dự báo có thể phục hồi, nhất là thị trường nội địa, có thể là tin tốt với Pomina.
Phân tích từ SSI cho biết, kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép trong nước sẽ phục hồi hơn 6% so với cùng kỳ trong năm 2024, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7% nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản khởi sắc hơn.
"Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp thép có thể cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận vẫn còn khả năng biến động", công ty này nhận định.