Tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm
(DNTO) - Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dữ liệu tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 2/2024, ghi nhận tăng trở lại, tạo kỷ lục mới ở mức 6,64 triệu tỷ đồng.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 2, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng.
Trong khi tiền người dân gửi ngân hàng tăng cao thì tiền gửi của khối tổ chức, doanh nghiệp lại giảm mạnh. Nhóm này chỉ gửi 6,52 triệu tỷ đồng tại hệ thống ngân hàng, giảm 4,66% so với đầu năm. Vì vậy, tổng số lượng tiền gửi trong hệ thống tính đến cuối tháng 2 giảm nhẹ từ 13,17 triệu tỷ đồng (ghi nhận cuối tháng 1) xuống còn 13,16 triệu tỷ đồng. Trước đó, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Theo thống kê, 3 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất trong quý vừa qua vẫn là các ngân hàng trong nhóm ngân hàng quốc doanh (BIDV, VietinBank và Vietcombank), với tổng số tiền đạt hơn 4,51 triệu tỷ đồng, tăng 544.621 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Con số này cũng chiếm đến gần 46% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.
Số liệu được đưa ra từ Tổng cục thống kê cho thấy, đến 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.
Theo nhiều chuyên gia, tiền gửi của các tổ chức kinh tế quay đầu giảm trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì ở mức thấp hồi đầu năm. PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết, thời gian qua, một bộ phận người dân hướng dòng tiền đầu tư vào vàng, do đây là kênh đầu tư có tính thanh khoản tốt, là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh các yếu tố kinh tế vĩ mô bấp bênh, các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm tại ngân hàng, chứng khoán..., không hấp dẫn.
Để thu hút tiền nhàn rỗi quay lại ngân hàng, các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động, cho dù vẫn ở mức thấp. Hiện lãi suất huy động hầu hết ngân hàng đã tăng trở lại, thậm chí có nơi tăng lãi suất tới gần 1%/năm so với trước đó. Tính đến đầu tháng 6/2024, mức cao nhất lên trên 6%/năm, chủ yếu dành cho kỳ hạn dài và tập trung ở khối ngân hàng tư nhân nhỏ.
Trước thực trạng tiền gửi dân cư chảy vào hệ thống chững lại trong khi dư nợ tín dụng tại một số nhà băng dần sôi động trở lại, lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng nhẹ trong thời gian tới. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm khoảng 0,5 đến 1%, tuy nhiên, đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi của toàn thị trường.
Tuy nhiên, ngày 30/5 vừa qua, chủ trương của Chính phủ và NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm thêm 1-2% lãi suất cho vay nên mặt bằng lãi suất huy động được dự báo khó tăng cao trong thời gian từ nay đến hết năm 2024 để kích cầu tăng trưởng tín dụng.
Tính đến ngày 10/5, tăng trưởng tín dụng ở mức 1,95% so với thời điểm đầu năm. Ngành phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý 2/2024 ở mức 5 - 6% theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.