Chỉ trong 1 tháng, người dân gửi ngân hàng hơn 100.000 tỷ đồng
(DNTO) - Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhập số liệu về tiền gửi khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng trong tháng đầu năm 2022. Theo đó, tiền gửi của người dân đã dồn dập quay lại hệ thống ngân hàng. Chỉ trong vòng 1 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi thêm hơn 103.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.
Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021. Như vậy, cung tiền đã nới rộng thêm 346.643 tỷ đồng, gấp gần 3,8 lần so với cùng kỳ.
Trong đó, lượng tiền mặt trong lưu thông tăng thêm 307.410 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 20% so với đầu năm. Qua đó kéo tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán tăng lên 13,29%, mức cao nhất trong vòng ba năm qua.
Cũng trong tháng 1, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,9 triệu tỷ đồng, tăng 0,32% so với đầu năm, tương đương gần 35.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tiền gửi dân cư tăng hơn 103.000 tỷ chỉ trong tháng 1, tương đương tăng 1,95% lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng. Đây là tháng tiền gửi của người dân tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ghi nhận giảm hơn 68.000 tỷ, tương đương giảm 1,21% xuống hơn 5,57 triệu tỷ đồng.
Lượng tiền lưu thông trong hệ thống tăng mạnh ngay trong tháng 1 là không quá bất ngờ khi đây là thời điểm nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân tăng cao nhằm phục vụ chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán. Nhìn lại những năm trước đây, tỷ trọng tiền mặt cũng tăng mạnh trong tháng 1, sau đó giảm dần trong những tháng tiếp theo.
Lượng tiền gửi và tiền mặt trong lưu thông tăng mạnh trong tháng đầu năm giúp tốc độ tăng trưởng cung tiền lần đầu tiên vượt tốc độ tăng tín dụng là 2,49% kể từ tháng 2/2021. Cung tiền đang tăng cao hơn tín dụng khoảng 87.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chính dẫn tới xu hướng này do dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế, dẫn tới hầu hết ngân hàng đều phải giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, từ cuối năm 2021 đến nay, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi nhờ dịch Covid-19 được khống chế, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng tăng trở lại. Trong đó, nhiều nhà băng đã tăng 0,5-1 điểm % lãi suất tiết kiệm, thậm chí có nhà băng tăng tới hơn 2 điểm % với các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi.
Về phần mình, chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dù ít nhưng số liệu cuối tháng 1/2021 vẫn phát đi những tín hiệu cho thấy tiền gửi tại tổ chức tín dụng đang quay trở về quỹ đạo thông thường, chấm dứt 2 năm lạc nhịp trước đó. Vì khi kinh tế Việt Nam phục hồi, doanh nghiệp sẽ rút dần dần tiền gửi ngân hàng và đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chứ chưa thể lập tức rút ngay một khoản tiền lớn.
Ngoài ra, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, có mức sinh lời tốt do mức lãi suất tiền gửi vẫn đang thực dương khá lớn so với lạm phát. Song song, các ngân hàng đang tung hàng loạt chương trình ưu đãi để tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) như miễn phí giao dịch, miễn phí quản lý tài khoản..., nên dòng tiền nhàn rỗi của cư dân chắc chắn sẽ đổ về.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, năm 2022 mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tăng nhẹ trong nửa cuối năm thêm 0,2-0,25%. Lãi suất tăng sẽ khiến chênh lệch số dư tiền gửi ngân hàng của người dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cải thiện.
Đến ngày 10/3, SSI ghi nhận tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 3,11%, cao hơn khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng lên khi kinh tế phục hồi sau dịch bệnh. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng tiền gửi cư dân được dự báo tiếp tục cải thiện.