Có sự phân hóa rõ nét trong lợi nhuận ngân hàng quý 1
(DNTO) - Trong bối cảnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu được tăng cao, tốc độ tín dụng tăng trưởng mạnh do yếu tố mùa vụ, lợi nhuận ngân hàng quý 1 năm nay vẫn giữ mức tăng trưởng khả quan, tuy nhiên có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng.
Theo báo cáo về ngành ngân hàng từ Công ty Chứng khoán SSI, lợi nhuận toàn ngành ngân hàng quý 1 năm nay sẽ có sự tăng trưởng tốt, mức tăng trưởng của lợi nhuận trước thuế ước đạt từ một đến hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, một điều khá rõ, là mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế giữa các ngân hàng lại có sự chênh lệch lớn. Trong khi phần lớn các ngân hàng đều có thể đạt tăng trưởng từ 24-25% thì cá biệt lại có hai ngân hàng là CTG (chưa tính đến banca) và VCB ghi nhận lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao của cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia của SSI, chính điều này khiến bình quân tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng chỉ đạt khoảng 9 -11%. Mặc dù vậy đây vẫn là con số tương đối tích cực trong bối cảnh hiện nay.
Có khá nhiều yếu tố chính góp phần cho tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng quý 1, tuy nhiên phải kể đến các yếu tố chính như tăng trưởng tín dụng từ 15% -16% so với cùng kỳ.
"Theo quan sát của chúng tôi, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu dao động trong khoảng 2%-10% so với đầu năm. Một số ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn quý 1/2021 bao gồm CTG, BID, MBB, HDB và TPB", SSI nhận định.
Ngoài ra nợ xấu được kiểm soát tốt do các ngân hàng chú trọng đến bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu không có quá nhiều biến động trong quý.
Mặt khác, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) đã ổn định so với quý trước. Lãi suất huy động nhiều ngân hàng nhìn chung không có sự thay đổi nhiều ngoại trừ mới chỉ có HDB, VPB và TCB tăng lãi suất huy động từ 10 - 20 bps; dư địa để tối ưu hóa hệ số LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng/Vốn huy động) còn nhiều, do đó, NIM được duy trì ổn định trong kỳ.
Năm 2022 tiếp tục "tỏa sáng"
Theo tại liệu đại hội cổ đông thường niên, tính chung cho cả năm 2022, các ngân hàng đều khả quan về kết quả sẽ đạt được. Lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ tăng khoảng 24%-25% so với cùng kỳ, ngoại trừ TCB và VPB chưa có kế hoạch kinh doanh, con số tăng gấp đôi so với quý 1.
Theo SSI, nhiều yếu tố tiếp tục hỗ trợ ngành ngân hàng như hạn mức tín dụng ban đầu được cấp cho năm nay cao hơn năm ngoái, dao động trong khoảng 7%-15% ở hầu hết các ngân hàng, ngoài ra hoạt động tăng vốn điều lệ từ 15%-35% thông qua hình thức chia cổ tức/chia thưởng bằng cổ phiếu cũng góp phần tăng trưởng của ngành.
Ngoài ra, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tốt hơn dự kiến và các khoản thu nhập bất thường từ bancassurance cũng sẽ đóng góp cho kết quả kinh doanh của các nhà băng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, nói đến lợi nhuận ngành ngân hàng không thể không kể đến những rủi ro có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của ngành như lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến, nguy cơ gia tăng lạm phát, đặc biệt là do tác động của cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine khiến giá dầu tăng, kéo theo giá xăng dầu trong nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.