Thị trường thịt mát: Cuộc đua giành miếng bánh 10,2 tỷ đô
(DNTO) - Người tiêu dùng hiện nay không còn xa lạ với những vỉ thịt được đóng gói cẩn thận, bắt mắt, bảo quản ở nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C, được giới thiệu là thịt mát. Sự thay đổi thói quen tiêu dùng đã khiến cho sản phẩm thịt mát ngày càng được lựa chọn nhiều hơn.
Các ông lớn thâm nhập thị trường
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra vào ngày 21/4 mới đây, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, một trong những mục tiêu năm 2022 của đơn vị là sẽ tăng cường chiến lược sử dụng thịt mát cho ngành thực phẩm tươi sống phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Cụ thể, Vissan sẽ đầu tư dây chuyền đóng gói thịt mát theo công nghệ MAP. Việc đầu tư này, theo ông An nhằm đón đầu thị trường, khi nhu cầu sử dụng thịt mát ở bộ phận người tiêu dùng trẻ, thu nhập cao ngày càng tăng lên.
Trước đó, ngày 7/4, Công ty TNHH CJ Vina Agri (thuộc Tập đoàn CJ, Hàn Quốc) đã tổ chức lễ khánh thành Tổ hợp chế biến thịt mát tại Khu công nghiệp Đông Nam nhằm hoàn thiện mảnh ghép quan trọng trong chiến lược phát triển của thương hiệu thịt sạch Meat Master.
Tổ hợp chế biến thịt mát CJ Vina Agri có tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 23 tỷ đồng, tổng diện tích 1.300m2. Trang thiết bị chính tại nhà máy được nhập khẩu từ Đức và Ý, gồm có 1 chuyền rail, 2 chuyền pha lóc, hệ thống lạnh (cold chain system) và hệ thống dây chuyển đóng gói theo công nghệ MAP (Modified Atmosphere Packaging). Dự kiến vào giai đoạn đầu tiên nhà máy sẽ đạt công suất pha lóc và chế biến 8.640 tấn thịt heo mảnh mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thịt mát lần đầu tiên được giới thiệu tới người tiêu dùng Việt tại thị trường vào tháng 9/2018, giá thành cao hơn khoảng 15% so với thịt thông thường, bởi Công ty Cổ phần Masan MEATLife – một công ty của Tập đoàn Masan.
23/12/2018, MEATLife khánh thành Tổ hợp MEAT Hà Nam. Tổ hợp chế biến thịt có công suất khoảng 1.400.000 con heo/năm, tương đương 140.000 tấn/năm với tổng đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng trên diện tích đất gần 4 hecta.
Tháng 10/2020, đơn vị này đã đưa vào vận hành tổ hợp chế biến thịt mát thứ 2 có quy mô tương đương tại Long An nhằm phục vụ người tiêu dùng phía Nam các sản phẩm thịt mát tươi ngon, an toàn và truy xuất được nguồn gốc.
Hai năm sau, tổ hợp chế biến thịt thứ 2 MEATDeli Sài Gòn ra đời với quy mô đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, diện tích 20 ha, công suất thiết kế 1,4 triệu con heo/năm.
Cũng với việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus Việt Nam (công ty con của Royal De Heus Group của Hà Lan), đồng thời ký kết hợp tác chiến lược dài hạn, Masan MEATLife, đã hoàn tất việc chuyển đổi thành công ty kinh doanh thịt có thương hiệu vào năm 2021.
Masan MEATLife là đơn vị đầu tiên bước chân, khai thác thị trường thịt mát. Sau Masan MEATLife, GreenFeed, vào năm 2019, cũng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trở thành tập đoàn tích hợp toàn chuỗi thực phẩm Feed – Farm – Food (chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn). GreenFeed đánh dấu tên mình vào thị trường thịt mát với thương hiệu G Kitchen.
Hiện nay, đơn vị này có 98 sản phẩm thịt heo tươi trong tổng số hơn 220 dòng sản phẩm đưa tới tay người tiêu dùng.
Greenfeed hiện có 2 nhà máy thực phẩm tại Đồng Nai và Long An, được trang bị dây chuyền giết mổ heo, gà và một hệ thống sản xuất thực phẩm tiêu chuẩn châu Âu cùng hệ thống hơn 100 cửa hàng của các thương hiệu G Kitchen và Mamachoice.
Nhắc tới thị trường thịt và thức ăn chăn nuôi, phải nhắc tới ông lớn C.P Group, C.P Việt Nam. Đơn vị này đã đầu tư cho các hệ thống bán lẻ (gồm C.P Shop, Fresh Mart, C.P Pork Shop)… để phân phối thịt mát và các sản phẩm chế biến.
C.P Việt Nam còn “bắt tay” với các hộ kinh doanh để phát triển hơn 700 cửa hàng tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Thêm vào đó, với trang thương mại điện tử Porkshop.vn – được phát triển bởi Công ty DSF Việt Nam, dựa trên các thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, C.P đang phân phối thịt heo sạch theo tiêu chuẩn quốc tế 3F từ chăn nuôi mang thương hiệu C.P.
Doanh thu từ thịt mát ngày càng tăng
Theo báo cáo thường niên 2021, Tập đoàn Masan nhận định, giá trị của mảng thịt mát hiện ở mức 10,2 tỷ đô.
Cũng theo báo cáo này, doanh thu thuần hợp nhất của Masan MEATLife (bao gồm thức ăn chăn nuôi) năm 2021 đạt 18.891 tỷ đồng, tăng 17,2% so với 16.119 tỷ đồng năm 2020. Nếu loại trừ doanh thu từ thức ăn chăn nuôi tháng 12/2020 trên cơ sở so sánh tương đương, năm 2021 doanh thu thuần đã tăng 16,6% so với năm ngoái.
Mảng thịt heo tích hợp, hợp nhất chuỗi cung ứng thịt heo của Masan MEATLife (bao gồm các trang trại heo) và các sản phẩm thịt heo có thương hiệu, mang lại doanh thu thuần năm 2021 là 2.999 tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm 2020. Các nhà máy chế biến thịt heo mát của Masan MEATLife hoạt động với 20% công suất tính đến tháng 12/2021, cho thấy tiềm năng tăng trưởng sản lượng gấp 5 lần trong thời gian tới.
Dự kiến, trong năm 2022, mảng thịt heo sẽ có lãi khi đạt công suất 26%. MEATLife kỳ vọng đạt doanh thu thuần hợp nhất trong khoảng 5.000 - 6.500 tỷ đồng vào năm 2022, tăng trưởng từ 11% đến 45% (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi).
Theo báo cáo kinh doanh mới nhất, trong Quý 1/2022 do tác động của việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu của Masan MEATLife giảm 80,2% so với cùng kỳ, đạt 931 tỷ đồng, chỉ bao gồm doanh thu từ mảng kinh doanh thịt.
Hiện tại, trên cơ sở so sánh tương đương (“like-for-like” hoặc “LFL”), loại trừ doanh thu đến từ mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần của Masan MEATLife chỉ giảm nhẹ 5,4% do giá bán thịt heo giảm trong khi khối lượng bán ra tăng cao. Bất chấp giá nguyên liệu hàng hóa tăng, biên EBITDA thịt heo có thương hiệu (“MEATDeli”) và thịt gà (“3F VIET”) lần lượt tăng1.540 điểm cơ bản và 670 điểm cơ bản trong Quý 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021.
Tính riêng thịt heo có thương hiệu, đạt doanh thu 351 tỷ đồng trong Quý 1/2022, giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ do giá thịt heo thấp nhưng khối lượng thịt heo bán ra lại tăng 7,8%.
Masan MEATLife dự kiến xu hướng tăng giá thịt trên toàn thị trường sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận, cùng lúc đó việc mở rộng các dòng sản phẩm và gia tăng điểm bán (trong hệ thống WCM và các kênh bán hàng khác) sẽ đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu từ Quý 2/2022 trở đi.
Với C.P Việt Nam, năm 2021, doanh thu đạt hơn 111 tỷ Bath (tương đương khoảng 3,6 tỷ USD), tăng 3% so với năm 2020. Doanh nghiệp này nằm trong số những doanh nghiệp lãi tốt nhất Việt Nam.
Hiện nay C.P Việt Nam là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất, dẫn đầu thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam với 9 nhà máy trên toàn quốc. C.P Việt Nam thống trị mảng chăn nuôi ở Việt Nam, cụ thể với thịt heo và thịt gà. Về cơ cấu, hơn 70% doanh thu của công ty này đến từ mảng chăn nuôi và thực phẩm, phần còn lại chủ yếu từ thức ăn chăn nuôi (tỷ trọng đóng góp theo thứ tự là thức ăn thuỷ sản, thức ăn cho heo và thức ăn gia cầm).
Mặc dù không chia sẻ doanh thu từ thịt mát nhưng một đại diện của Greenfeed cho biết, trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển và cho ra mắt các sản phẩm thịt mát lành ngon, với hương vị mới lạ, giới thiệu tới người tiêu dùng.
Đặc biệt, việc sáp nhập thương hiệu thịt gà LeBoucher là bước đi chiến lược để Greenfeed nhanh chóng khép kín chuỗi thịt gà sạch từ trang trại đến bàn ăn, tận dụng thế mạnh về thức ăn chăn nuôi, con giống và kinh nghiệm quản lý trang trại mà công ty đã phát triển 19 năm qua, nhằm xây dựng và giới thiệu danh mục sản phẩm thịt gà tới người tiêu dùng. Đây cũng là thành quả của chuỗi thực phầm lành 3F Plus từ Greenfeed, các sản phẩm thịt mát sắp tới tiếp tục được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sạch, lành ngon, đảm bảo chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc, đồng thời đảm bảo hương vị mới lạ, đáp ứng nhu cầu khẩu vị ngày càng đa dạng.
Để được gọi là thịt mát phải đảm bảo quy định nghiêm ngặt từ khâu vận chuyển đến nơi giết mổ – chờ giết mổ – giết mổ – làm mát – pha lọc – đóng gói – vận chuyển sản phẩm – bảo quản sản phẩm. Theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12429-1:2018 về thịt mát (phần thịt heo), các dạng sản phẩm như cắt miếng hoặc xay được pha lọc thân thịt đã qua quá trình làm mát. Thịt heo mát phải được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ từ 0 độ C đến 4 độ C.