Thị trường gia vị: Nhỏ mà không hề nhỏ
(DNTO) - Những gia vị quen thuộc trong gian bếp của mỗi gia đình như tỏi, tiêu, ớt, muối, mắm... tưởng như giá trị thị trường nhỏ và rất nhỏ nhưng thực tế lại không nhỏ. Không ít doanh nghiệp đã thu được tiền tỷ đô từ thị trường này.
Thị trường 19 tỷ đô
Mới đây, tại buổi họp báo giới thiệu “Lễ hội tinh hoa gia vị Việt” 2022, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nêu con số, thị trường gia vị thế giới hiện ước tính đạt quy mô khoảng 19 tỷ USD. Nhưng thực tế con số này cao hơn vì sản phẩm qua chế biến từ các nguyên liệu gia vị rất đa dạng và đang có mức tăng trưởng 15-20%/năm.
Tại thị trường Việt Nam, mặc dù hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng không ít doanh nghiệp đã bước vào ngành này, xuất khẩu gia vị ra thế giới và mang về doanh thu nhiều tỷ đô.
Chia sẻ tại tọa đàm “Kinh tế gia vị từ góc nhìn của nhà kinh doanh” tổ chức ngày 22/4 vừa qua, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dh Foods cho biết nhu cầu tiêu thụ gia vị rất lớn và thị trường gia vị là thị trường tiềm năng để cho doanh nghiệp khai thác.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay Dh Foods đã phát triển được hơn 150 sản phẩm gia vị, trong đó các loại gia vị đặc biệt như chẩm chéo, mắc mật, mắc khén… bán khá chạy. Những sản phẩm gia vị này đã xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ… Năm 2021, Dh Foods đạt doanh thu 150 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2020. Trong quý I/2022, công ty tiếp tục tăng trưởng 66% so với năm 2021.
Riêng mặt hàng muối tôm, ông Trung Dũng cho biết, mỗi tháng Dh Foods xuất sang thị trường Nhật Bản 1 container.
“Mặc dù số lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vẫn nhỏ bé so với nhu cầu tiêu dùng tại đây nhưng tôi rất tự hào khi thấy sản phẩm gia vị Việt Nam được bày bán tại các siêu thị Nhật Bản. Sắp tới chúng tôi sẽ xuất khẩu mắm tôm sang Ba Lan, Hàn Quốc, Mỹ”, ông Trung Dũng nói thêm.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh cho biết, nhu cầu sử dụng gia vị trên thế giới rất lớn, trong khi nguyên liệu sản xuất những mặt hàng này của Việt Nam dồi dào, phong phú.
Năm 2009, Phúc Sinh xây nhà máy tiệt trùng, sản xuất tiêu tiệt trùng xuất sang châu Âu. Mỗi năm Phúc Sinh xuất khẩu 6.000 container tiêu và các loại gia vị tiêu (tiêu tiệt trùng, xốt tiêu…) sang nhiều nước, trong đó có Mỹ và châu Âu. Đến nay, Phúc Sinh đã có nhà máy tiêu sấy lạnh, có lẽ là một trong những nhà máy tiêu sấy lạnh đầu tiên trên thế giới. Giá tiêu sấy lạnh hiện là 24 USD/kg, trong khi giá tiêu trắng cách đây 20 năm chỉ có 6 USD/kg.
Chất lượng, đẹp và chú trọng nguyên liệu tự nhiên
Trong câu chuyện kể về con đường để sản phẩm được xuất khẩu, ông Phan Minh Thông của Phúc Sinh Group cho biết, ông đã vượt qua thói quen thụ động cố hữu của doanh nghiệp Việt bằng cách “xách balo lên và đi”. Ông tìm đến các hội chợ, tiếp xúc với các khách hàng khắp thế giới.
“Đó là cách để tiếp cận với thế giới. Thứ nhất thấy họ làm đẹp quá, mình cố gắng làm đẹp như họ. Thứ hai là các tiêu chuẩn. Mình phải đáp ứng các tiêu chuẩn của họ thì mới vào thị trường của họ”, ông Thông nói.
Theo ông Thông, chất lượng chính là yếu tố quan trọng nhất. Vì làm có đẹp đến thế nào mà chất lượng kém thì không thể nào vào thị trường thế giới được. Giữ được chất lượng là giữ được khách hàng, giữ được thị trường.
Và điều quan trọng nữa, theo ông là phải trì chí, phải biết tự nâng cấp mình lên.
“Trong quá trình hội nhập chúng ta phải nâng cấp mình lên, nâng chất lượng, kiên nhẫn hơn với giấy tờ, kiên nhẫn hơn với các tiêu chuẩn… có thể hơi khắc nghiệt, nhưng đó là sự thật, chúng ta phải chấp nhận”, ông Thông nói thêm.
Bà Ong Thị Kim Ngân, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà (Phú Quốc) cho biết, khởi đầu thị trường của Thanh Hà là thị trường xuất khẩu chứ không phải nội địa. Năm 1993, công ty xuất khẩu đi Hàn Quốc. Đến năm 1998, Thanh Hà là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đi châu Âu, sau đó là thị trường Nhật Bản, Mỹ và Úc.
“Ban đầu để được chấp nhận xuất khẩu đi châu Âu thì rất khó khăn. Khi đó các chuyên gia châu Âu đến nhà máy, chúng tôi đã phải rất khó khăn để giải thích cho họ về quy trình sản xuất nước mắm”, bà Kim Ngân nói.
Ông Trung Dũng của Dh Foods thì cho rằng, các nước châu Âu rất chuộng đặc sản vùng miền sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, không dùng hóa chất, hương liệu. Và đây chính là tương lai của gia vị Việt Nam.
Theo ông, gia vị Việt Nam vốn rất ngon, vị thật hơn so với gia vị Thái Lan vốn đã thâm nhập khá nhiều thị trường và tiêu thụ mạnh trên thế giới. Vậy tại sao Việt Nam không cố gắng phát huy, gìn giữ điểm mạnh này của mình để phát triển gia vị, thâm nhập mạnh vào thị trường?
Bên cạnh chất lượng, mẫu mã, theo bà Kim Ngân, doanh nghiệp cũng cần học hỏi để quảng bá sản phẩm.
Bà Kim Ngân dẫn chứng, chẳng hạn các nước như Thái Lan, Hàn Quốc họ đã kết hợp rất tốt việc quảng bá ẩm thực với văn hóa – du lịch.
“Các lễ hội du lịch họ đều kết hợp quảng bá văn hóa, ẩm thực và sản phẩm bản địa rất hiệu quả. Họ đã làm và làm rất thành công. Đây là sự hỗ trợ cho doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả nhất”, bà Ngân nói.