Thị trường đi xuống, nhiều cổ đông càng 'ngán" cổ tức 'giấy'
(DNTO) - Trong bối cảnh thị trường đi xuống, nhiều nhà đầu tư tỏ ra chán nản với hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, đặc biệt với những nhà đầu tư ngắn hạn.
Buồn sau khi nhận cổ tức
Là tình trạng của nhiều nhà đầu tư sau khi được nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nhất là giai đoạn vừa qua, thị trường giảm sâu, VN-Index có thời điểm thậm chí đã không còn giữ được mốc 1.200 điểm, không ít mã mất 40-50% giá trị. Tính đến ngày 26/5, chỉ số này mới chỉ phục hồi được tại mốc 1.268 điểm, cách mức đỉnh còn khá xa.
"Cổ phiếu bị pha loãng, mất giá. Nhận cổ tức xong lại thấy 'bờ' càng xa, chưa biết lúc nào về được 'bờ'", anh Sơn một nhà đầu tư tại TP.HCM cho biết sau khi nhận cổ tức.
Một nhà đầu tư khác, anh Hùng tại Hà Nội, lại cho biết: "Nhà đầu tư bỏ bỏ tiền để đầu tư cùng doanh nghiệp, còn doanh nghiệp lại 'in giấy' để trả cổ tức. Việc lãi lỗ nhà đầu tư chèo lái tự chịu thì quá bất công với chúng tôi. Thiết nghĩ nhà đầu tư cần có biện pháp bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi".
Theo khoản 5 điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác theo điều lệ mỗi doanh nghiệp quy định. Cổ tức bằng cổ phiếu là việc doanh nghiệp thay vì trả cổ tức tiền mặt thì sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho các cổ đông với mục đích tăng sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp.
Năm 2021, sử dụng cổ phiếu thay vì tiền mặt để trả cổ tức cho cổ đông là điều được nhiều doanh nghiệp với tỷ lệ chia "khủng", thậm chí tới 50% cho năm 2021, đặc biệt với các ngân hàng.
Bị đánh thuế thu nhập cá nhân ở mức 5% dù không phát sinh thu nhập, vì số lượng cổ phiếu tăng thêm bao nhiêu phần trăm thì giá trị mỗi cổ phiếu giảm đi bấy nhiêu phần trăm, thời gian chi trả kéo dài... là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư thất vọng, nhất là trong bối cảnh giá cổ phiếu đang giảm mạnh so với giai đoạn đỉnh, nhiều người đặc biệt với nhà đầu tư ngắn hạn đang phải gồng mình chịu lỗ, thậm chí bán tháo để bảo tồn nguồn vốn.
Khó cho doanh nghiệp
Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, Chủ tịch Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã phản hồi lại một số bài đăng trên các diễn đàn gần đây gọi cổ phiếu HPG là "giấy lộn" khi doanh nghiệp này đề xuất trả cổ tức trong đó 30% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền.
"Tâm trạng tôi rất buồn khi nhiều nhà đầu tư đòi hỏi phải chia hết lợi nhuận và cho rằng việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 'giấy lộn'. Tôi cám ơn sự góp ý mang tính chất xây dựng của các cổ đông, còn nếu góp ý như này thì khó cho tôi quá", ông chia sẻ.
Bản thân ông là cổ đông lớn nhất cũng rất muốn chia nhiều tiền chứ nhưng nhu cầu vốn trong thời gian tới của doanh nghiệp rất lớn. "Ngay cả với tỷ lệ cổ tức tiền mặt 5% tôi cũng e là hơi nhiều", ông Long lý giải.
Hiện tại doanh nghiệp này đang cần nhiều vốn để phát triển các dự án, đặc biệt năm nay được các lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán sẽ là năm nhiều khó khăn khi các giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh do yếu tố địa chính trị bên ngoài.
Các nhà băng là điển hình của việc "hào phóng" chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao. Ngân hàng Á Châu (mã ACB) vừa thông báo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 25% (100 cổ phiếu sẽ được nhận 25 cổ phiếu mới), tăng vốn điều lệ thêm 6.755 tỷ đồng. Trước đó nhiều ngân hàng cũng đã công bố như MSB (30%), OCB (30%), Nam A Bank (29%), ACB, HDBank (25%), Vietbank (21%), MB (20%), Kienlongbank (16%), SHB (15%), LienVietPostBank (15%), SeABank (12,7%),...
Ngoài việc phải tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà Nước nhà nước tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền để hạ thêm lãi suất cho vay, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ, ổn định tài chính.
Về lý thuyết, trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế trả bằng tiền mặt, có khoản lợi nhuận được giữ lại để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, tăng vốn điều lệ..., thể hiện sự chung tay của nhà đầu tư cùng doanh nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị của doanh nghiệp và cho chính cổ phiếu mà bạn nắm giữ.
Đó là một hành trình dài, bản thân của nhà đầu tư cũng phải "trường vốn" để có thể chờ đợi. Tuy nhiên, với 80% nhà đầu tư trên thị trường là F0, liệu bao nhiêu nhà đầu tư có thể "dài hơi" chờ đợi hay lại ngậm ngùi bán tháo cho xong? Khi ấy việc chia cổ tức chẳng còn nhiều nghĩa với họ, thậm chí là cảm giác "ngán ngẩm".