Những vấn đề 'nóng' mùa Đại hội cổ đông 2022 - Bài 2: Cổ đông không cổ tức, doanh nghiệp nói gì?
(DNTO) - Trái ngược với việc nhiều doanh nghiệp mạnh tay chia thưởng cho nhà đầu tư thì không ít ban lãnh đạo lại nói không với chuyện chia cổ tức năm 2021.
Khá nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho các cổ đông về chuyện im lặng với việc chia cổ tức. Điều này phụ thuộc vào kế hoạch, chiến lược hay thực tế dòng tiền của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư tỏ ra kém hào hứng.
Giải quyết bài toán tăng vốn
Techcombank (mã chứng khoán: TCB), một ngân hàng nhiều năm qua nói không với chia cổ tức và năm 2021 cũng không ngoại lệ, mặc dù "ông lớn" này nắm trong tay quỹ lợi nhuận chưa phân phối lên đến hơn 40.000 tỷ đồng, không bị gánh nặng nợ xấu, lợi nhuận năm 2021 tăng trưởng hai con, số đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 47,1% so với 2020. Đây cũng là ngân hàng dẫn đầu ngành về tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức 3,7%.
Việc củng cố nguồn vốn vững mạnh trở thành mục tiêu xuyên suốt và là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Techcombank giữ nguyên khoản lợi nhuận chưa phân phối.
Phát biểu tại Đại hội cổ đông vừa qua, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết: "Chúng tôi luôn có quan điểm nhất quán về việc củng cố vốn, tiềm lực sẵn có và phát triển kinh doanh để có lợi nhuận tốt. Nhiều cổ đông hỏi ngân hàng giữ lại nhiều vốn như vậy làm gì? Nhưng nhà đầu tư cần nhìn về hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) so với các nước trong khu vực, chúng tôi vẫn muốn đầu tư để phát triển hơn”.
Theo Chủ tịch Techcombank, quan điểm của Techcombank hơi bảo thủ nhưng rõ ràng và minh bạch. Mục đích cuối cùng là sự phát triển bền vững doanh nghiệp và mang lại lợi ích cho cổ đông.
Nói về việc tại sao không chia cổ tức bằng cổ phiếu như nhiều ngân hàng khác, ông Hồ Hùng Anh cho biết, điều này có thể khiến cổ phiếu TCB hạ giá sau khi chia do bản chất doanh nghiệp vẫn như vậy. “Năm 2018, chúng tôi đã chia cổ tức thì giá cổ phiếu giảm 3 lần. Chưa kể việc chia cổ tức bằng cổ phiếu còn phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5%”, ông lý giải.
Liên quan đến câu chuyện củng cố nguồn vốn doanh nghiệp, Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán: PTI) cũng quyết định không chia cổ tức năm 2021 mặc dù đã có kế hoạch chia cổ tức 10%. Năm 2022, Hội đồng quản trị của PTI cũng tiếp tục đề xuất phương án không chia cổ tức.
Được biết lợi nhuận chưa phân phối năm 2021 của PTI còn 421 tỷ đồng. 2021 cũng là năm dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động doanh nghiệp khiến tổng doanh thu chỉ đạt 5.945 tỷ đồng, hoàn thành 90,1% kế hoạch kinh doanh, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 9,4% so với năm 2020.
Việc không chia cổ tức sẽ giúp doanh nghiệp dồn sức cho các kế hoạch phát triển kinh doanh trong năm tới. Nhà đầu tư cũng đành lòng xem đây là "của để dành", kỳ vọng về đà tăng trưởng mới của doanh nghiệp.
Vướng quy định
Một trong những nguyên nhân nữa khiến kế hoạch chia cổ tức của doanh nghiệp gặp khó là quy định của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Theo đó, các tổ chức tín dụng không được chia cổ tức bằng tiền mặt để trích lập dự phòng trái phiếu VAMC, chủ động xử lý nợ xấu trong thời gian chờ sự khôi phục của thị trường.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế đến thời điểm 31-12-2021 là gần 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ nhưng vẫn chưa thể chia cho cổ đông.
"Chúng tôi rất muốn chia cổ tức nhưng ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên việc này chưa thực hiện được. Cổ tức chưa chia cũng còn đó, rất mong cổ đông thông cảm và chờ đợi sau tái cấu trúc", Chủ tịch Dương Công Minh cho biết.
Ông cũng cho biết thêm, 32% cổ phiếu STB đảm bảo cho các khoản nợ tại Sacombank đã bán VAMC phải được phép của Ngân hàng Nhà nước mới bán được. Ông hy vọng trong năm 2022, mọi việc sẽ xử lý dứt điểm và trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép ngân hàng chia cổ tức.
Được biết, lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế đến thời điểm 31/12/2021 của Sacombank gần 9.000 tỷ đồng, tương ứng gần bằng 50% vốn điều lệ. Từ năm 2019 đến nay, ngân hàng liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông và hiện đang chờ sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh Sacombank, Eximbank hiện cũng là ngân hàng không thể chia cổ tức do vấn đề nhân sự cấp “thượng tầng” và phải đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Được biết, lợi nhuận còn lại lũy kế đến cuối năm của ngân hàng này là 2.214 tỷ đồng. Sau khi trừ số cổ phiếu quỹ Eximbank đang nắm giữ, mức cổ tức dự kiến của ngân hàng sẽ là 18%. Tuy nhiên, tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận đã không được cổ đông thông qua.
"Nhà nghèo" khó chia
Nợ nần, kết quả kinh doanh ảm đạm khiến nhiều doanh nghiệp cũng không thể mang lại lợi nhuận cho cổ đồng của mình.
Tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã chứng khoán: TIS) mới công bố đã trình phương án không chia cổ tức năm 2021.
Lý do được công ty đưa ra là do quá hạn cho khoản cho vay của dự án tính đến ngày 31/12/2021 (2.199 tỷ đồng) đến nay vẫn chưa có nguồn để trả, trong khi đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là hơn 281 tỷ đồng. Như vậy, Tisco không đủ điều kiện trả cổ tức và đây là năm thứ 10, doanh nghiệp này không phân phối lợi nhuận cho cổ đông.
Do hoạt động kinh doanh khó khăn nên Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (mã chứng khoán: CII) không đề xuất kế hoạch chia cổ tức năm 2021, dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 12%.
"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", nhiều lý do được đưa ra khiến nhà đầu tư chỉ biết chờ đợi. Thậm chí, ngay trong việc chia cổ tức, nếu doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu thì cổ đông thường khá ngần ngại. Còn hình thức chi trả bằng tiền mặt khá được nhà đầu tư yêu thích nhưng đang ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh các doanh nghiệp có nhiều kế hoạch kinh doanh sau giai đoạn hồi phục do Covid-19.
Bài 1: Điểm mặt doanh nghiệp hào phóng chia thưởng cho nhà đầu tư