Thấy gì tự động thái bán ròng của khối ngoại?
(DNTO) - Vốn ngoại đang rút khỏi thị trường trước nhiều biến động của lãi suất, lạm phát thế giới. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam sẽ vẫn là điểm sáng của dòng vốn thế giới trong thời gian tới.
Sức ép từ lãi suất Mỹ
Thị trường ghi nhận đà bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại thời gian qua. Tuần vừa qua, vốn ngoại tiếp tục trải qua tuần thứ hai liên tiếp. Và không riêng gì Việt Nam, hoạt động rút vốn của khối ngoại diễn ra mạnh tại khu vực châu Á.
Cụ thể, tuần qua, tại kênh khớp lệnh, nhà đầu tư ngoại bán ròng gần 785 tỷ đồng và tại kênh thỏa thuận giá trị bán ròng đạt trên 506 tỷ đồng, đưa con số bán ròng trên toàn thị trường đạt trên 1.291 tỷ đồng.
Lực bán ròng tập trung mạnh nhất tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND tiếp đó là SSI, VHM, DPM, VCB...
Việc khối ngoại rút vốn được cho là có mối liên hệ mật thiết với đà tăng của lãi suất của đồng USD từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Sức ép từ lạm phát Mỹ tăng lên 9,1% cho thấy khả năng tăng lãi suất của Fed sẽ còn tiếp tục. Thông điệp từ Fed cũng cho thấy khả năng lãi suất sẽ chạm gần khoảng 3,5% vào tháng 12 năm nay, điều này cũng có nghĩa đợt tăng lãi mạnh nhất trong năm sẽ nằm ở giai đoạn cuối năm.
Do đó, việc dòng vốn ngoại đang tìm cách rút khỏi thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường châu Á nói chung là điều dễ hiểu.
Nhìn lại thị trường trong nước, trạng thái bán ròng cũng đã xảy ra nhiều đợt, thể hiện sự linh hoạt nhanh nhạy của dòng vốn này. Cụ thể, năm 2021, khi thị trường trải qua giai đoạn đỉnh cao, khối ngoại bán ròng kỷ lục khoảng 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn thị trường có dấu hiệu đi xuống, họ bắt đầu quay lại mua ròng từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua.
Phát biểu trong một hội thảo về chứng khoán gần đây, bà Nguyễn Thu Hằng, Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty Chứng khoán Nhất Việt cho biết, nhận xét trạng thái bán ròng của khối ngoại đã quay trở lại hay chưa thì cần đợi hành động của Chính phủ. Tuy nhiên, nền kinh tế được Chính phủ điều hành khá linh hoạt có tính thích ứng cao nên sức hút của thị trường với dòng vốn ngoại vẫn lớn.
"Với diễn biến kinh tế phục hồi bền vững, tôi kỳ vọng Việt Nam là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài và hoạt động bán ròng chỉ trong ngắn hạn”, bà nhận định.
Vốn ngoại chuyển hướng
Theo nhận định của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam, vốn ngoại không rút hoàn toàn khỏi thị trường chứng khoán mà chỉ bán ròng, và đặc biệt có sự dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Thống kê cho thấy, ngoài cổ phiêu, thị trường trái phiếu, đặc biệt trái phiếu Chính phủ cũng trở thành kênh có sức hút với nhà đầu tư ngoại.
Cũng theo ông tỷ giá trong nước đang ít nhiều tác động đến nhà đầu tư ngoại. Cụ thể, vào tháng 7, thời điểm tỷ giá trong nước tăng lên cũng đã ảnh hưởng đến chiến lược giao dịch của họ, tuy nhiên "áp lực này không nóng thời gian tới mà sẽ sớm hạ nhiệt".
Về cơ bản, đồng VND đang khá ổn định và nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm cơ hội để giải ngân vào từng nhóm cổ phiếu triển vọng. "Năm 2022, cơ hội định giá hấp dẫn, P/E thấp, tôi kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng dần tỷ trọng thời gian tới”, ông Minh đặt kỳ vọng vào thị trường.
Có thể nói, dưới sự điều hành chính sách kinh tế linh hoạt từ Chính phủ và nền hồi phục khá tốt sau đại dịch, chứng khoán trong nước vẫn được nhận định là kênh hút vốn ngoại sáng giá.