Chuyên gia: ‘Nhà đầu tư không nên lo lắng về sức ép thắt chặt tiền tệ’

(DNTO) - Tăng lãi suất, thắt chặt tín dụng vào nhiều kênh đầu tư, tỷ giá có thể tăng vọt do suy thoái toàn cầu… những nguyên nhân đang được cho tác nhân khiến dòng tiền trên thị trường đang bị thu hẹp lại. Tuy nhiên, theo chuyên gia VinaCapital, nhà đầu tư không nên quá lo lắng về sức ép thắt chặt tiền tệ.
Thị trường chứng khoán đang chứng kiến thời điểm giảm sâu của dòng tiền gần như ở tất cả các nhóm ngành, điển hình như tuần vừa qua, thanh khoản toàn thị trường rơi ở mức thấp nhất trong 1 năm. Cầu thị trường suy yếu xuống mức thấp, dòng tiền nằm im chờ thời.
Việc dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu có thể khiến tỷ giá tăng vọt gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu; lạm phát bùng nổ, nhiều ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất điều hành; lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trong nước tăng lên; cung tín dụng hạn chế với nhiều kênh đầu tư...

Dòng tiền ngày càng có sự phân hóa trên thị trường
Lo lắng về thắt chặt tiền tệ trong nước đang khiến cho tâm lý nhà đầu tư kém lạc quan hơn.
Tuy nhiên, theo ông Thái Quang Trung, Phó Giám đốc Đầu tư, Khối Quỹ mở cổ phiếu và trái phiếu, VinaCapital, nhà đầu tư không nên lo lắng về sức ép thắt chặt tiền tệ trong nước vì bản thân Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có lý do chính đáng để kiểm soát dòng tiền nóng vào các kênh đầu tư hiện nay.
"Việt Nam có thế mạnh trong việc kiểm soát tỷ giá, lạm phát, lãi suất thông qua các chính sách điều hành chủ động, linh hoạt từ phía NHNN. Trước đây, chúng ta đã từng có các biện pháp thành công như kiểm soát hợp đồng dân sự bằng tiền đồng để tránh đô la hóa, áp trần tín dụng, các điểm bình ổn giá… đây là các biện pháp không phải nước nào cũng làm được", ông Trung cho biết.
Từ các những kết quả mà NHNN đã làm được trước đây, theo ông, nhà đầu tư nên đón nhận thị trường tích cực. Bởi một khi Việt Nam có thể kiểm soát thành công tỷ giá, lạm phá, lãi suất sẽ gỡ được nút thắt về tăng trưởng tín dụng, nút thắt tăng trưởng kinh tế và đón dòng nhiều hơn nữa dòng vốn ngoại.
Cũng theo ông Trung hiện đang có làn sóng thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên Việt Nam không bị nhiều sức ép như các nước khác vì có lãi suất thực.
"Hiện tại P/E dự phóng (forward P/E) năm 2022 là 11 lần, trong 12 tháng tới có thể dưới 11 lần. Theo tôi mức định giá hiện tại khá hiếm gặp và đây là một điểm sáng của thị trường", ông Trung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với chuyên gia của VinaCapital, báo cáo mới đây của Chứng khoán Maybank đã đưa ra nhiều luận điểm về sự an toàn của các chính sách tiền tệ hiện tại.
Theo công ty này, mặc dù tăng trưởng GDP quý 2 cao so với các kỳ trước, đạt 7,72% nhưng hầu hết các nhà đầu tư lại chỉ dồn sự chú ý đến điều hành của NHNN đối với lạm phát. Dự báo lãi suất tăng 70 điểm cơ bản trong năm nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng sẽ không có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, trong bối cảnh NHNN vẫn có khả năng điều tiết và lãi suất dẫu có tăng vẫn chỉ trở lại mức trước đại dịch.
Maybank cũng tin rằng tăng trưởng tín dụng 14% trong năm là "mức lành mạnh cho nền kinh tế trong trung hạn" bởi đây là mức bình quân 10 năm qua và giai đoạn tăng trưởng nhanh nhất (năm 2018-2019) mức tăng trưởng tín dụng cũng chỉ 14%.
Báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ, ngày 8/7, cho thấy, tăng trưởng việc làm của Mỹ tháng 6 cao hơn dự kiến, với 372.000 việc làm mới, cao hơn mức 268.000 việc làm do giới chuyên gia dự báo.
Reuters dẫn lời Nick Bunker, một nhà kinh tế học tại Indeed ở Washington: “Nếu bạn đang xem báo cáo này để tìm các dấu hiệu một cuộc suy thoái thì có thể sẽ trắng tay".
Và điều này cho thấy, lo lắng về sự suy thoái kinh tế thế giới của nhiều nhà đầu tư có lẽ quá sớm. Có thể một kịch bản lạc quan sẽ đến với thị trường trong nước, khi đó dòng tiền sẽ gia nhập mạnh mẽ vào thị trường.