Dòng tiền đột biến đổ vào cổ phiếu thép
(DNTO) - Nhiều mã cổ phiếu thép bất ngờ đảo chiều tăng điểm và đặc biệt HPG hút dòng tiền lớn trong bối cảnh ngành thép được đánh giá không mấy sáng.
Sau một thời gian dài giao dịch ảm đạm, nhóm cổ phiếu thép bất ngờ hút mạnh dòng tiền và tăng điểm.
Chốt phiên giao dịch ngày 15/7, HSG của Tập đoàn Hoa Sen tăng 1,11%, NKG của Công ty CP Nam Kim tăng 2,05%; TLH, Công ty Thép Tiến lên, tăng 3,03% hay VGS của Công ty Ống thép Việt Đức VG PIPE tăng 3,91% hay TVN, Công ty thép Việt Nam, tăng 3,66%.
Có công đóng góp lớn nhất nâng đỡ thị trường chính là HPG của Hòa Phát. Mã HPG ghi nhận một phiên tăng đột biến, với gần 48 triệu cổ phiếu được giao dịch, tăng vượt bậc nếu so sánh từ đầu tháng 7 đến ngày 14/7 (trung bình chỉ có 14 triệu cổ phiếu mỗi phiên) và trở thành cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn chứng khoán trong phiên.
Cùng đó, HPG ghi nhận hơn 1.089 tỷ đồng giá trị giao dịch, một thành tích mà đã khoảng 5 tháng qua, cổ đông PHG mới lại được chứng kiến.
Điểm đặc biệt là khối ngoại hôm nay chú trọng gom hàng HPG với tổng cộng hơn 6 triệu cổ phiếu và cũng là mã đứng đầu được nhà đầu tư ngoại mua trong phiên.
Cùng với HPG, mã NKG cũng giao dịch kỷ lục trong 2 tháng trở lại đây với hơn 13 triệu cổ phiếu, giá trị gia dịch đạt hơn 267 tỷ đồng. Cả hai mã này đều lọt vào Top 10 thanh khoản toàn thị trường.
Sự trở lại của nhóm cổ phiếu thép đã khiến nhiều nhà đầu tư nức lòng khi mà lâu nay không ít người ngậm ngùi với những khoản lỗ không hề nhỏ mà chưa biết lúc nào có thể "vào bờ". Cổ phiếu thép đã trải qua thời hoàng kim và để tìm lại đà tăng như vốn có là câu chuyện không đơn giản với nhóm ngành này.
Phát biểu trong một hội thảo về chứng khoán, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư của Công ty SSI, bà Hoàng Việt Phương nhận định, giá thép đã trải qua thời gian đạt đỉnh và đã có giai đoạn điều chỉnh.
"Vốn là ngành mang tính chu kỳ nên nhà đầu tư cần quan tâm cổ phiếu và doanh nghiệp đang nằm ở chu kỳ nào. Hiện tại chu kỳ đang ngày càng ngắn hơn, chỉ 2-3 năm. Nếu đã ở chu kỳ đó và đang đi xuống thì 2-3 năm nhà đầu tư cần cẩn trọng và có thể tìm cơ hội khác", bà Phương nhấn mạnh.
Áp lực với ngành thép đang ngày càng thách thức hơn trước các dấu hiệu của lạm phát, ngành bất động sản chững lại hay giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đe dọa biên lợi nhuận của các công ty thép.
Công ty chứng khoán Mirae Asset còn chỉ ra nhiều rủi ro cho ngành thép. Trước hết là sự quay lại của hoạt động xuất khẩu từ Trung Quốc sau giai đoạn giãn cách do dịch bệnh và ảnh hưởng của lệnh hạn chế khí CO2. Sáu tháng cuối năm, các nhà sản xuất ở Trung Quốc hoạt động lại bình thường, thị trường thép trong nước sẽ khó khăn rất nhiều khi phải cạnh tranh về giá với sản phẩm thép của nước này.
Đặc biệt phải kể đến rủi ro về chính sách khi Nghị định 101/2021/NĐ-CP thông qua chủ trương tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép nếu trong trường hợp giá thép tăng quá cao nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép. Điều này sẽ hạn chế việc xuất khẩu phôi thép và chắc chắn sẽ là không tin không vui với các doanh nghiệp thép.
Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp, có thể thấp hơn các kỳ kinh doanh trước, tuy nhiên vẫn được dự đoán tích cực khi so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp trong nước.