Thấy gì qua vụ M&A của Masan thâu tóm Phúc Long
(DNTO) - Chi 110 triệu đô la để mua thêm 31% tại Phúc Long, thương vụ M&A này đang gây xôn xao những ngày đầu năm về độ chịu chơi của ông chủ Masan.
Trong báo cáo tài chính năm 2021 vừa công bố, Tập đoàn Masan cho biết đã chi 110 triệu đô la Mỹ (tương đương hơn 2.400 tỷ đồng) để được nắm giữ thêm 31% cổ phần của chuỗi đồ uống Phúc Long.
Tháng 5 vừa qua, Masan cũng chi 15 triệu đô la (tương đương 340 tỷ đồng) để nắm 20% cổ phần Phúc Long. Như vậy, tính đến nay, ông chủ Masan đã chi tổng cộng hơn 2.700 tỷ đồng để nắm giữ tổng cộng 51% cổ phần Phúc Long, chính thức nắm quyền chi phối và hợp nhất kết quả kinh doanh với doanh nghiệp này.
Bất chấp một năm nhiều gian nan với ngành đồ uống, khi nhiều thương hiệu F&B đang lao đao thì Phúc Long trở thành một tên tuổi sáng giá khi mức định giá chỉ sau 9 tháng đã tăng hơn 4 lần từ 75 triệu đô la lên 355 triệu đô la (tương đương hơn 8.000 tỷ đồng), khiến không ít người ngỡ ngàng.
Không thể phủ nhận một điều, nếu nói về sản phẩm trà, Phúc Long vẫn là thương hiệu dẫn đầu trên thị trường với sự đầu tư bài bản về chất lượng và hình thức sản phẩm với nét đặc trưng riêng biệt. Doanh nghiệp này được thành lập từ những năm 80, có bề dày hơn 50 năm phát triển.
Năm 2018, Phúc Long đạt doanh thu 473 tỷ đồng, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng các thương hiệu đồ uống tại Việt Nam, sau Highlands Coffee, Starbucks và The Coffee House. Năm 2019, chuỗi này thu về tới 779 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 16 tỷ đồng. Trong năm 2020, Phúc Long ghi nhận doanh thu 793 tỷ đồng và lãi sau thuế 34 tỷ đồng.
Như vậy để thấy, việc Masan đạt được điểm hòa vốn cho thương vụ của mình là câu chuyện không hề đơn giản.
Thực tế, sau khi mua 20% cổ phần của Phúc Long vào tháng 5 theo hướng phát triển mô hình bán lẻ Mini-mall, hiệu quả kinh doanh thế nào vẫn chưa hề được Masan nhắc đến.
Mini-mall là sự tích hợp WinMart+, kiosk Phúc Long (trà và cà phê), dược phẩm, Techcombank (tiện ích tài chính) và Mobicast (nhà mạng di động). Năm 2021, Masan đã mở 5 cửa hàng thí điểm. Mặc dù vậy, thông báo của Masan chỉ cho biết, mỗi điểm chỉ giúp gia tăng 30% lượng khách, giúp giảm 44% mức doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn.
Masan cũng cho biết thêm, định giá hiện tại khi đầu tư Phúc Long tương ứng mức P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022. Như vậy, lợi nhuận ước tính trong năm nay của Phúc Long sẽ xấp xỉ 500 tỷ đồng, bất chấp thực tế doanh thu Wincommence trong năm vừa qua giảm 0,3% so với năm ngoái; doanh thu quý 4 cũng giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, Phúc Long cũng được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu từ 2,5 nghìn đến 3 nghìn tỷ đồng trong năm 2022.
Kỳ vọng là vậy nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác. Việc thâu tóm chuỗi đồ uống Phúc Long của ông chủ Masan với mức giá "không phải dạng vừa" được đánh giá là bước đi mạnh tay trên thị trường F&B. Thậm chí không ít người thấy ở đây bóng dáng của một "cuộc chơi tài chính"(?!)
Giờ đây, khi chỉ còn 49% cổ phần, việc sản phẩm sẽ được phát triển theo hướng nào không còn là câu chuyện của riêng Phúc Long nữa, dẫu biết thương hiệu luôn là tài sản quý giá nhất với mỗi doanh nghiệp.
M&A vốn là cuộc chơi tài chính của các ông lớn có thực lực. Sau M&A, kết quả các cuộc "hôn phối" sẽ đi theo hướng nào, đơm hoa kết trái hay tàn lụi sẽ cần thêm thời gian để chứng minh. Tuy nhiên, những giá trị lan tỏa mà các thương vụ M&A mang lại cho doanh nghiệp là điều không thể kể hết. Tính đến 9 giờ sáng nay, cổ phiếu MSN của Masan đã tăng 1,2% so với phiên hôm qua, giao dịch tại 148.400 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa xếp thứ 7 trên sàn chứng khoán.