Masan – Phúc Long, liệu có là cú ‘bắt tay’ ngọt ngào?
(DNTO) - Sau nhiều đồn đoán già non từ những ngày đầu năm nay, thông tin Masan Group và thương hiệu trà Phúc Long 'bắt tay' nhau chính thức thành hiện thực. Liệu sự hợp tác này có mang lại "trái ngọt" như những gì mà hai thương hiệu này mong muốn?
Nếu trước đây muốn uống trà hay cà phê Phúc Long, bạn cần đến các cửa hàng của họ thì từ nay không cần nữa. Theo thông báo chính thức từ phía Masan Group, hơn 2.200 cửa hàng Vinmart+ trên toàn quốc sẽ đi theo mô hình “Kiosk Phúc Long”. Điều này có nghĩa, chỉ đến các cửa hàng Vinmart+ bạn đã có thể sở hữu sản phẩm của Phúc Long một cách dễ dàng.
Đây là hình thức “cửa hàng trong cửa hàng” đã xuất hiện tại nhiều chuỗi đồ uống trong nước như thương hiệu cà phê Ông Bầu có mặt ở các nhà hàng Ba Gác; hay cà phê Guta hiện diện ở các cửa hàng Co.opSmile. Hiểu một cách đơn giản, đây là một dạng kinh doanh giúp chia sẻ chi phí giữa các bên hợp tác, đặc biệt là chi phí thuê mặt bằng. Theo một vài người dự đoán, mô hình này có thể sẽ trở thành xu hướng tất yếu của thị trường trong tương lai bởi mang lại lợi ích thiết thực cho cả bên hợp tác.
Với Phúc Long, nhắc đến thương hiệu này, người ta thường có cảm giác về một thương hiệu mang hơi hướng “nhà giàu”, với sự đầu tư chau chuốt cho chất lượng sản phẩm cùng hình thức, mẫu mã; chấp nhận những mặt tiền sang chảnh ở các trung tâm lớn mà chi phí thuê không hề rẻ.
Được thành lập năm 1968, sau hơn 50 năm phát triển, năm 2018 thương hiệu này đã đạt doanh thu 473 tỷ đồng, đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng các thương hiệu đồ uống tại Việt Nam, sau Highlands Coffee, Starbucks và The Coffee House.
Năm 2019, chuỗi này thu về tới 779 tỷ đồng, tăng đột biến 65% so với 2018 và gấp gần 3 lần so với kết quả năm 2016, lợi nhuận gộp tăng từ 169 tỷ đồng lên 276 tỷ đồng, tương đương tăng 63%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt 16 tỷ đồng; tổng tài sản 367 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu trên 72 tỷ đồng.
Hiện tại, Phúc Long có 82 cửa hàng trên toàn quốc cùng với tập khách hàng đa dạng từ học sinh, sinh viên đến cả trung niên hay người có tuổi. Tuy nhiên, trước khi về với Masan, Phúc Long gần như một mình "độc hành", không có bất kỳ thương vụ M&A nào và cũng không hề có "đại gia" nào phía sau, bất chấp việc các chuỗi đồ uống khác đều có người "chống lưng". Đơn cử như Highlands Cofee có sự hậu thuẫn bởi Tập đoàn Jollibee đến từ Philippines, hay The Coffee House được chèo chống bởi Tập đoàn Seedcom, cả về nguồn lực, công nghệ và tài chính.
Trong khi đó, Masan nổi tiếng mát tay với nhiều thương vụ M&A với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Giám đốc Tập đoàn Masan, ông Danny Le từng cho biết quan điểm của tập đoàn này: "Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua "nền tảng" phục vụ chiến lược chung của Masan".
Kết thúc năm tài chính 2020, Masan đạt doanh thu 77.218 tỷ đồng, tăng 106,7% so với mức doanh thu 37.354 tỷ đồng của năm 2019. Lợi nhuận thuần phân bổ cho các cổ đông đạt 265 tỷ đồng trong quý 4/2020 và 1.234 tỷ đồng trong cả năm 2020. Năm nay, Masan đặt mục tiêu tăng trưởng từ 20-40% so với năm ngoái.
Như vậy, việc Phúc Long về với The Sherpa, một công ty thành viên của Masan thông qua ký kết thỏa thuận mua lại 20% của Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage - doanh nghiệp sở hữu Phúc Long, với mức giá 15 triệu đô la, được xem là một bước ngoặt mới với hai thương hiệu này. Không ít người cho đây là sự hợp tác "môn đăng hộ đối”.
Với Phúc Long, trong tình hình dịch bệnh, ngành đồ uống gặp nhiều khó khăn để tồn tại, thương hiệu trà này đã có chỗ dựa vững chắc để phát triển và giữ gìn thương hiệu. Tập khách hàng trẻ trung với lối sống hiện đại, yêu thích trà, cà phê từ 2.200 cửa hàng Vinmart+ cũng chính là tập khách hàng chính của họ. Trong khi đó, tổng tiêu thụ trà và cà phê tại nước ta ước tính là 2,3 tỷ đô la và dự kiến tăng trưởng hơn 10%, càng cho thấy nhiều cơ hội cho thương hiệu này.
Còn với Masan, có người cho rằng việc họ bỏ ra 15 triệu đô la để sở hữu 20% của Phúc Long giống một mũi tên trúng hai đích. Masan vừa có thể tăng doanh thu mở rộng chuỗi giá trị, đồng thời, việc chi ra 15 triệu đô la cho 20% của Phúc Long thì "thơm tho" quá bởi Masan đã nắm "đằng cán" trong thương vụ này.
Tuy vậy, không phải cuộc chơi nào cũng trải "hoa hồng", cho dù sân chơi nào thì bài toán cạnh tranh không chỉ có tiền quyết định tất cả. Liệu với 2.200 cửa hàng, việc quản lý về chất lượng sản phẩm của Phúc Long sẽ ra sao? Bài toán cạnh tranh với các thương hiệu đồ uống khác sẽ thế nào? Và liệu thị trường có đón nhận sự hợp tác này không?
"Masan định biến Vinmart thêm tầng 2 giống Circle K phải không. Nước cờ này cần xem lại mô hình như thế nào, không khéo hỏng cả" - một bình luận trên mạng xã hội cho biết.