Taylor Swift 'đổ bộ' màn ảnh rộng - Hollywood bấn loạn
(DNTO) - Hàng loạt rạp chiếu phim màn ảnh rộng sẵn sàng phá bỏ các luật lệ cũ để fan hâm mộ “cuồng quấy” trong show diễn mới nhất của Taylor Swift, cho thấy một bước chuyển mình mới của ngành kinh doanh này.
Chuỗi rạp chiếu bóng Alamo Drafthouse luôn tự hào với điều luật khắt khe, áp đặt trên 39 cơ sở, mặc cho phim lớn hay nhỏ nào đang được trình chiếu. Để bảo vệ nơi được xem là “thiên đường” cho người hâm mộ điện ảnh, họ sẵn sàng đuổi bất kỳ người xem nào không biết giữ yên lặng, cấm trẻ em trong các buổi chiếu chiều tối.
Nhưng nay những điều luật đó đã tan biến như bơ trên bỏng ngô, trước cuộc “xâm lược” của những fan hâm mộ cuồng nhiệt của Taylor Swift.
Để chuẩn bị cho ngày công chiếu buổi hòa nhạc của ngôi sao đình đám này, Alamo đã gỡ bỏ các giới hạn độ tuổi, lần đầu tiên trong lịch sử. Thậm chí Alamo khuyến khích các nhân viên hòa mình vào hát theo, nhảy nhót và hò hét cùng các fan hâm mộ “Swifties” khi họ dồn kín các phòng chiếu.
Chaya Rosenthal, Phó chủ tịch tiếp thị của Alamo nói: “Chúng tôi sẽ để các fan thoải mái phá vỡ hầu hết các chính sách cũ để ăn mừng hết mức có thể”.
Từ những phòng chiếu nhỏ đến những chuỗi rạp chiếu bóng khổng lồ, ngành màn ảnh rộng đang “trải thảm đỏ” để chào đón ảnh hưởng chấn động của Taylor Swift.
Thế lực kinh tế Swifties
Cũng dễ hiểu bởi ảnh hưởng tài chính, kinh tế của các buổi hòa nhạc Taylor Swift rất đáng nể. Trước đó, cuộc săn đuổi mua vé hòa nhạc Taylor Swift đã có thể thúc đẩy Thượng viện Mỹ đưa hãng bán vé Ticketmaster ra điều trần, chất vấn mức giá vô lý và các vấn đề về độc quyền.
Mỗi khi Taylor Swift đến trình diễn tại một địa phương, ngôi sao này kéo theo làn sóng đông đảo các fan hâm mộ chi tiêu cho khách sạn, nhà hàng, quán bar. Chuyến lưu diễn Era của Taylor Swift đã giúp 20 thành phố mà họ ghé qua hồi phục kinh tế sau đại dịch.
Mara Klaunig, chuyên gia kinh tế thuộc Camoin Associates, cho biết, sau khi bị kẹt ở nhà trong thời kỳ đại dịch, đã có một sự dồn nén trong nhu cầu ăn chơi, du lịch của người tiêu dùng Mỹ: “Họ rất sẵn sàng chi tiêu cho các chuyến đi xa để tham gia các buổi hòa nhạc”.
Khi Taylor Swift biểu diễn ở Las Vegas trong tháng 3 vừa qua, lãnh đạo sở du lịch địa phương tán dương sự kiện này đã giúp mang lại số lượng khách du lịch gần ngang bằng với trước đại dịch. Ngân hàng Liên bang tại Philadelphia ghi nhận buổi diễn tháng 5 của Taylor Swift đã giúp ngành khách sạn của thành phố có thu nhập cao kỷ lục.
Tại Cincinnati, chi tiêu liên quan đến tour diễn của Swift được ước tính lên đến 48 triệu đô la.
“Cô ấy là một thế lực đáng nể” - theo Julie Calvert, CEO của hãng du lịch Visit Cincy, cơ quan du lịch chính của Cincinnati.
Đối với nền kinh tế Mỹ èo uột sau đại dịch Covid, những sự kiện như tour diễn hòa nhạc là "cứu cánh" vô cùng cần thiết.
Trải thảm đỏ
Cũng giống như các thành phố mà “cơn bão” Taylor Swift đã lướt qua, nay các rạp chiếu bóng tìm mọi cách để chuẩn bị chào đón các “Swifties”. Họ tung ra các loại thức uống cocktails và mocktails độc đáo theo chủ đề Taylor Swift, lập các “trạm” phân phối vòng tay tình bạn và bỏng ngô phủ kim tuyến rực rỡ.
Cách đây không lâu, ngành rạp chiếu bóng đã phải đối mặt với bờ vực “tuyệt chủng”, trống vắng bởi dịch Covid-19, bị ghẻ lạnh bởi các studio Hollywood khi họ tìm đến các nền tảng stream trực tuyến. Nay với hai thành công vang dội của bộ đôi “bom tấn” “Barbie” và “Oppenheimer” mùa hè vừa qua, các rạp chiếu bóng lại một lần nữa tham gia vào hiện tượng văn hóa của show diễn “Taylor Swift: The Eras Tour”.
Trailer cho bộ phim trình chiếu hòa nhạc Taylor Swift - The Eras Tour
Buổi trình chiếu kéo dài 2 tiếng 48 phút là một phần mở rộng cho chuyến lưu diễn của Taylor Swift, vốn đã mang lại doanh thu hàng tỷ đô la từ bán vé.
Phiên bản trình chiếu trong rạp chiếu bóng, “The Eras Tour”, sẽ được phân bổ cho 8.500 rạp chiếu tại hơn 100 quốc gia khác nhau. Theo AMC Entertainment Holdings, tính đến ngày 4/10, vé đặt trước đã đạt hơn 100 triệu đô la doanh thu, một con số kỷ lục trong toàn bộ lịch sử hãng này.
Đây cũng là sự kiện cho thấy sức ảnh hưởng văn hóa của Taylor Swift, “nhào nặn” các phương thức truyền thống của ngành rạp chiếu bóng.
Giá vé của các buổi trình chiếu tại Mỹ là $19,89, con số tượng trưng cho năm sinh của Taylor Swift và album mới nhất của cô. Giá vé cho trẻ em? 13,13 đô la, con số may mắn của cô.
Lịch trình chiếu của “The Eras Tour” sẽ phải đưa vào những ngày từ thứ Năm đến Chủ nhật, mô phỏng không khí show diễn cuối tuần.
Ngoài các yêu cầu đó, các rạp chiếu nỗ lực mọi phương thức để phục vụ cho sự kiện này. Chẳng hạn như một thức uống mang tên Number 13, pha trộn nước nho, một chút kim tuyến, một nhúm kẹo bông gòn màu hồng và một cây khuấy hình disco ball.
Các rạp chiếu khuyến khích khách ăn mặc theo chủ đề Taylor Swift, trao đổi vòng tay tình bạn, cho phép hành động hào hứng, nhảy nhót hay ca hát.
Tại La Grange, Kentucky, điểm chiếu bóng Sauerbeck Family Drive In chuẩn bị bãi xe cho 300 khách, trang bị một loạt sản phẩm bán theo như ly bắp rang màu hồng, vòng tay đèn LED thay đổi màu sắc. Ông chủ Stephen Sauerbeck, nói: “Tầm cỡ chuẩn bị như thế này là lớn nhất từ trước đến nay”.
B&B Theatres, chuỗi rạp chiếu bóng hiện diện ở 14 bang tại Mỹ, đã cho phép quản lý của 57 cơ sở tăng lượng nhân viên lên hết mức có thể để phục vụ cho đám đông fan hâm mộ. Không khí chộn rộn làm nhiều nhân viên trẻ bỡ ngỡ. Paul Farnsworth, Giám đốc truyền thông và nội dung, nói: “Chúng tôi bỗng nhiên nhận ra: Ô, như thế này mới đúng là cảm giác kinh doanh bận rộn!”.
Làm Hollywood phẫn nộ
Không phải ai cũng chào đón sự kiện trình chiếu “Eras” một cách vui mừng như thế. Taylor Swift và đội ngũ của cô đã không theo các bước truyền thống, bỏ qua sự tham dự của các studio Hollywood để làm việc trực tiếp với các rạp chiếu bóng.
Tại Mỹ, Taylor Swift lựa chọn AMC Theaters Distribution là nhà phân phối chính. Cinemark và nhiều công ty khác sẽ đảm nhận phân phối ở các nước khác. Tuy vậy, trình chiếu buổi hòa nhạc không phải là độc quyền, hãng Variance sẽ giúp phân phối cho các rạp chiếu bóng riêng lẻ.
Các hãng studio khác đang phải tìm cách né tránh sự kiện này để nội dung của họ không bị “lép vế”. Warner Bros. dịch chuyển bộ phim được xem là sẽ thành công lớn “Dune: Part Two” từ ngày 03/11 sang lịch chiếu mùa xuân sắp tới. Universal đưa bộ phim rất được mong đợi, “The Exorcist: The Believer”, sang lịch chiếu 6/10. Paramount công bố họ sẽ thay đổi lịch chiếu sớm cho “Killers of the Flower Moon” của đạo diễn Martin Scorsese.
Những sự thay đổi này không phải rẻ tiền, bởi nó ảnh hưởng đến chi phí quảng cáo cũng như doanh thu của các hãng studio. Nhưng hơn thế nữa, sự chen chân của lịch trình chiếu “Eras” đi ngược với “luật bất thành văn” né tránh cạnh tranh trên màn ảnh rộng giữa các nhà phân phối.
Nhiều nguồn tin cho biết lịch trình chiếu của buổi hòa nhạc này được quyết định bởi đội ngũ của Taylor Swift chứ không phải là quyết định của AMC.
Đó là chưa kể các studio Hollywood không thể “ăn miếng bánh” tiền bản quyền và phân phối nội dung của Taylor Swift trên màn ảnh rộng.
Được biết, đội ngũ của Swift đã thất vọng với ý tưởng phim tài liệu của các studio và quyết định tự làm việc trực tiếp với AMC, chuỗi rạp chiếu bóng lớn nhất thế giới.
Không hẳn là một tin “dễ nuốt” cho các studio Hollywood, vốn đang bị hoành hành bởi đợt đình công của các diễn viên và nhà văn.
Ngấp nghé bên lề, Beyoncé, ngôi sao với lượng fan đông đảo không kém Taylor Swift, cũng đã công bố cô sẽ tung ra buổi trình chiếu hòa nhạc tương tự với AMC.