Sự bùng nổ của Born Pink và cơ hội cho doanh nghiệp lĩnh vực văn hoá
(DNTO) - Doanh thu khủng của ngành văn hóa sau thành công của concert Born Pink tại Việt Nam (ngày 29 -30/7 vừa qua) là bước đệm cho doanh nghiệp sản xuất và tổ chức chuỗi sự kiện văn hoá phát triển.
Concert Born Pink tại Việt Nam thành công rực rỡ
Mới đây, Công ty IDEA Entertainment Asia Pte. Ltd (trụ sở chính tại Kuala Lumpur, Malaysia) được chỉ định bởi Công ty Live Nation Korea – Hàn Quốc trở thành đơn vị quảng bá toàn cầu của nhóm nhạc nữ Black Pink, thực hiện sự kiện “Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới năm 2023”.
Tại Việt Nam, buổi biểu diễn được tổ chức thực hiện bởi Công ty IDEA Entertainment Asia Pte. Ltd và Công ty TNHH Âm nhạc IME Việt Nam, được giới chuyên môn đánh giá cao bởi sự chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế.
Theo thống kê, doanh thu của 2 đêm diễn ở Việt Nam ước đạt 335 tỷ đồng (khoảng 14,1 triệu USD), tương đương với các quốc gia khác tại Châu Á. Cùng với đó, tổng thu từ du khách trong 2 đêm diễn đạt khoảng 630 tỷ đồng (theo Sở Du lịch Hà Nội).
Sau sự kiện, hình ảnh đội nón lá và ảnh hẹn gặp lại Blink của thành viên Black Pink nhận được hơn 14,5 triệu lượt thích và vẫn đang không ngừng tăng lên. Theo thống kê SocialTrend thuộc đơn vị YouNet Media, 2 ngày biểu diễn của BlackPink tại Hà Nội thu hút hơn 567.000 lượt thảo luận, 8,44 triệu lượt tương tác (gồm lượt xem, bày tỏ cảm xúc).
Những con số ấn tượng đã chứng minh sự kiện Born Pink chính là những “cú nổ” văn hoá tới từ Hàn Quốc, cho thấy văn hoá không chỉ dừng lại ở giải trí mà là động lực phát triển kinh tế.
Tạp chí Forbes nhận định, K-pop hiện là lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, bên cạnh ngành ô tô, công nghệ thông tin và chất bán dẫn. Năm 2022, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã dành 585 triệu USD cho phát triển văn hóa, tăng 43% so với năm 2021.
Báo cáo của Bộ Văn hóa và Thể thao Hàn Quốc vào đầu năm 2023 ghi nhận, các nghệ sĩ K-pop đã bán được hơn 80 triệu album trên toàn thế giới vào năm 2022 và số lượng người hâm mộ Hallyu toàn cầu đã tăng lên 156,6 triệu tại 116 quốc gia, gấp 17 lần so với năm 2011.
Để có được thành công như ngày nay, Chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò trung tâm cho việc hỗ trợ các tài năng nghệ thuật.
“Việt Nam cần trải thảm cho nhà đầu tư ở lĩnh vực văn hoá”
Chia sẻ về việc phát triển công nghiệp văn hóa sau 2 đêm diễn của nhóm nhạc Black Pink, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê (Le Bros) đánh giá chất lượng đêm diễn rất thành công.
“Vì chương trình này là tour đi vòng quanh thế giới, họ cũng đã "lội qua lội lại" châu Á rất nhiều lần. Việc tour diễn thành công không có gì ngạc nhiên, vì chương trình đã được sắp xếp, tính toán bài bản và chuyên nghiệp. Đương nhiên, phần lớn khán giả đều cảm thấy hài lòng, thoả mãn với chất lượng, với những bài hát, âm thanh ánh sáng và các hoạt động trong đó. Chỉ có vài hạt sạn nhỏ, tôi cho là không đáng kể”, ông Vinh nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, Việt Nam là show đầu tiên không bán hết vé, còn tất cả các điểm dừng chân khác của Blackpink trong tour diễn đều bán hết. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn chưa tận dụng để thu hút các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới tới lưu diễn và thu hút khách du lịch.
“Xét về tầm nhìn, tư duy, Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy rằng văn hoá chính là động lực phát triển của nền kinh tế. Người ta vẫn coi văn hoá là một chuyên môn tách biệt, văn hoá là thứ linh thiêng, cần phải được tôn thờ chứ không phải thứ làm thương mại. Trong khi đó, Hàn Quốc có chiến lược rất khác, văn hoá của họ đi đến đâu, hàng hoá đi đến đó”, ông Vinh cho hay.
Show diễn của Black Pink là đòn bẩy, giúp nghệ sĩ quốc tế tin tưởng vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Trước đó, chưa có đơn vị nào đưa được các nghệ sĩ quốc tế thuộc hàng top thế giới, đang ở thời kỳ đỉnh cao về nước như lần này. Vì vậy theo ông Vinh, Việt Nam cần có sự hợp tác của cơ quan chức năng, đội ngũ tổ chức sự kiện chuyên nghiệp và uy tín, ví dụ như lần này là Công ty TNHH Âm nhạc IME Việt Nam.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1755/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu đến 2030, 12 ngành công nghiệp văn hóa đạt 7% GDP.
Theo ông Vinh, để thực hiện chiến lược này, việc đầu tiên là Việt Nam cần phải "trải thảm" cho các nhà đầu tư ở lĩnh vực văn hóa và phải hỗ trợ thay vì bắt họ xin xỏ để được triển khai các dự án. Thứ hai, nhà nước cần phải có các chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng những trung tâm sáng tạo. Họ phải được tạo điều kiện, không bị gây khó khăn. Thứ ba là cần có một cơ quan nhà nước chuyên trách phát triển công nghiệp văn hoá từ cấp trung ương đến cấp tỉnh thành phố, cấp cơ sở theo đúng ý nghĩa và giá trị kinh tế của nó.
Có thể nói, sự thành công của concert Black Pink – Born Pink tại Việt Nam đã đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành văn hoá – giải trí trong nước – vốn chưa tạo được điểm nhấn trong khu vực. Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để các ngành công nghiệp giải trí khai thác mạnh hơn nhu cầu của khán giả, đồng thời thay đổi để đáp ứng thị hiếu âm nhạc trong nước.Thêm vào đó, các doanh nghiệp tổ chức và triển khai sự kiện âm nhạc, văn hoá hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển tại Việt Nam, giống như cách Công ty TNHH Âm nhạc IME Việt Nam đã làm trong sự kiện concert lần này.