Từ Blackpink 'soi chiếu' nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc
(DNTO) - Giá vé máy bay chặng TP.HCM - Hà Nội tăng vọt, lượng du khách nước ngoài cũng cao đột biến trong những ngày diễn ra show diễn của nhóm nhạc trẻ, cùng đó, nhiều thương hiệu nhanh chóng bắt trend tận dụng lợi thế... Blackpink đã không còn đơn thuần chỉ là câu chuyện của những thần tượng âm nhạc.
Sau nhiều thông tin rình rập khiến "thốn tim" người hâm mộ, nhóm nhạc trẻ Backpink vẫn có hai đêm diễn của mình tại Việt Nam như dự kiến, cũng là chặng cuối để kết thúc một tour vòng quanh thế giới của họ.
Dưới tiết trời oi nắng của mùa hè, sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội vẫn đón hàng chục ngàn người hâm mộ tham gia cổ vũ mỗi đêm. Với ước tính trung bình khoảng 4 triệu đồng/vé, vị chi doanh thu cho mỗi đêm diễn của nhóm thu về khoảng gần 100 tỷ đồng.
Năm 2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động Việt Nam khoảng 6,7 triệu đồng. Như vậy, để sở hữu được vé vào cửa, mỗi người hâm mộ phải chi hơn 1/2 tháng lương. Và điều này đáng nói nếu đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang phải "thắt lưng buộc bụng", sức cầu suy giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Sức hấp dẫn từ đâu?
Nhóm nhạc Blackpink được quản lý bởi công ty giải trí YG Entertainment. Có thể thấy, chiến lược của YG đó là phát triển dòng nhạc tạo xu hướng, tập trung vào âm thanh “gây nghiện”, có thể kết hợp với vũ điệu dễ nhảy, dễ ăn sâu vào tâm trí người xem, từ đó tạo nên hiệu ứng lan truyền.
Điều này có lẽ khiến chúng ta nhớ về rapper Psy của xứ sở Kim chi với ca khúc đình đám "Gangnam Style" ở khoảng 10 năm về trước. Thời điểm đó, Gangnam Style được cho là đã 'cứu vãn' nền kinh tế Hàn Quốc.
Với Blackpink thì sao? Chỉ sau 5 giờ phát hành trên YouTube, một video của nhóm nhạc đã thu hút gần 40 triệu lượt xem, đứng top 1 trong danh mục âm nhạc thịnh hành. Bốn cô gái Jisoo, Jennie, Rosé và Lisa của Blackpink kiếm bộn tiền từ các hợp đồng quảng cáo của các thương hiệu thời trang, trang sức xa xỉ trên toàn cầu.
Nếu ai đó cần một giọng hát kỹ thuật, luyến láy điêu luyện có lẽ nên tìm đến ban nhạc khác chứ không phải từ bốn cô gái này. Tuy nhiên, nếu cần tìm một sự trẻ trung, mạnh mẽ, cá tính và một phong cách nhuốm màu xa xỉ, sang chảnh thì bạn chỉ có thể tìm thấy ở Blackpink. Có thể xem bốn cô gái là điển hình của hình tượng Idol thế hệ mới.
Từ hình ảnh các cô gái xuất hiện ở sân bay lớn với dàn vệ sĩ áo đen tháp tùng kín đặc; khi đến Việt Nam, trong khi người hâm mộ rần rần chờ ở cổng chính thì họ lại đi ra ở cổng nội bộ và về khách sạn từ lúc nào; rồi cách họ xuất hiện trên đường phố với dàn xe sang chảnh, khuôn mặt không hề lộ diện... càng làm cho các bạn trẻ như muốn "điên" theo vì sự tò mò.
Các cô gái trẻ của Blackpink thân thiện giao lưu, có thể nhảy theo điệu nhạc Si tình của Việt Nam, đội nón lá, nói tiếng Việt, kể về bánh mì và việc ăn phở thơm ngon đến giọt cuối cùng... vừa kích thích lòng tự hào của giới trẻ, vừa tạo sự gần gũi, khiến trái tim các fan càng như tan chảy.
Thực tế, họ được đào tạo để trở thành hình tượng như vậy, một sản phẩm của nền công nghiệp Kpop Hàn Quốc. Blackpink đánh đúng tâm lý giới trẻ, gợi mở hình mẫu mà họ khao khát tìm đến. Trong khi nhiều bố mẹ vẫn phải tìm trên google xem Blackpink là ai, mấy cô gái kia như thế nào thì các con họ đã có thể hát những đoạn dài của nhóm nhạc, nhảy uyển chuyển theo điệu múa xoay tay của Jisoo, phát khóc khi có thể đủ tiền để đến sân ngắm các cô gái...
Đó là minh chứng cho sự thành công của một nhóm nhạc.
Kinh tế chuyển động theo Blackpink
Cô gái Jennie của Blackpink mặc chiếc áo đấu Manchester United trong một MV nhằm mục đích tạo “xu hướng” và ngay lập tức, chiếc áo đã tạo ra cơn sốt cháy hàng trên không gian mạng.
Tháng 7, đón chờ hiệu ứng từ tour diễn vòng quanh thế giới của Blackpink, thương hiệu nổi tiếng Starbucks đã nhanh chóng kết hợp cùng nhóm ra mắt loạt đồ uống mới mang sắc hồng và đen, màu đại diện của Blackpink, như kem màu hồng nhạt, socola hình trái tim...
Bên cạnh đó, những món đồ lưu niệm bao gồm bình nước, ly, túi xách, ví... đính kèm logo của Starbucks và nhóm nhạc cũng được tung ra. Được biết, giá bán của bộ sưu tập khá cao, tuy nhiên lại được giới trẻ hồ hởi đón chờ và săn lùng mạnh.
Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu cũng bám trend như tung các sản phẩm liên quan đến màu hồng, tên của nhóm nhạc; tặng vé đi xem BlackPink qua cuộc thi săn vé "đu idol" hay có doanh nghiệp đưa ra ý tưởng, khách hàng đặt những món hàng màu hồng để “lấy vía” săn vé xem thành công...
Blackpink đã không còn đơn thuần chỉ là một nhóm nhạc giải trí. Ngay từ định hướng ban đầu, họ đã được xác định trong mục đích kinh tế và đã thành công.
Hàn Quốc vốn đã xác định văn hoá là mục tiêu hỗ trợ nhiều nền kinh tế khác như thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng... Nhờ đó, khi các sản phẩm bán chạy lại mang tiền về, quay lại đầu tư cho văn hóa, tạo ra những giá trị mới, qua đó phát triển đất nước.
Thực tế, sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia luôn có sự tổng hợp, giao thoa từ nhiều lĩnh vực, cùng hỗ trợ nhau, kéo nhau đi lên và tất nhiên, để tìm được hướng đi riêng luôn cần các chiến lược, tầm nhìn riêng mang tính dài hạn, cũng như các quyết sách đúng hướng.
Cách đây không lâu, Tổng thống Hàn Quốc cùng các tập đoàn lớn đến thăm nước ta. Hiện tại, gần 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, với khoảng 1,3 tỷ đô la đầu tư. Người Hàn Quốc làm việc và sinh sống ở nước ta ngày càng nhiều hơn. Sự xuất hiện Blackpink phải chăng, ngoài giá trị văn hoá, kinh tế, còn mang giá trị chính trị, kết nối hai nước chặt chẽ hơn thông qua chuyến lưu diễn lần này?