Tại sao giá dầu thế giới và Việt Nam tiếp tục leo thang?
(DNTO) - Giá dầu thô tiếp tục leo thang trong phiên giao dịch sáng 25/10, kéo dài chuỗi tăng giá lên cao nhất trong nhiều năm. Theo nhiều chuyên gia, lý do của đà tăng giá này là nguồn cung dầu thô toàn cầu còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch.
Giá dầu thô thế giới thời điểm hiện tại
Giá dầu thô Mỹ WTI hợp đồng tương lai tăng 87 cent tương đương 1% lên 84,63 USD/thùng tại lúc 03:42 GMT, sau khi đã tăng giá 1,5% trong ngày 22/10. Đầu phiên sáng nay, dầu WTI chạm mốc cao nhất kể từ tháng 10/2014 tại 84,76 USD/thùng.
Trong khi đó giá dầu Brent hợp đồng tương lai tăng 71 cent tương đương 0,8% lên 86,24 USD/thùng, sau khi đã tăng giá 1,1% thứ sáu tuần trước. Trước đó giá dầu Brent đã lên cao nhất kể từ tháng 10/2018 tại 86,43 USD/thùng.
“Với nhu cầu dầu thô tăng ổn định tại Mỹ trong khi nguồn cung bị hạn chế, nhiều nhà đầu cơ đang ở trong vị thế bán”, Tetsu Emori, CEO của Emori Fund Management nói.
Lý do thiếu hụt nguồn cung và giá dầu tăng cao
Sau hơn một năm nhu cầu dầu thô bị ép xuống do đại dịch, nhu cầu về xăng và các sản phẩm chưng cất từ dầu tại Mỹ đã tăng lên bằng mức trung bình trong vòng 5 năm tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước đã cắt giảm số giếng dầu và khí tự nhiên lần đầu tiên trong vòng 7 tuần qua, thậm chí ngay cả khi giá dầu đang tăng, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co.
Cùng lúc đó giá dầu cũng bị đẩy cao do lo ngại về sự thiếu hụt than và khí tự nhiên tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu khiến các khu vực này phải chuyển đổi sang dùng dầu diesel và dầu thô để tạo năng lượng.
Tuy nhiên theo một số nhà phân tích, có thể có điều chỉnh giá trong vài tuần tới khi giá dầu tăng cao dẫn đến sự cẩn trọng cũng tăng theo trên thị trường năng lượng. “Tỉ suất tăng giá của dầu WTI kể từ đầu năm tới nay đã chạm mốc đạt được trong năm 2007 và 2009 khi chúng ta chứng kiến giá tăng mạnh, tuy nhiên mức giá này có vẻ hơi quá”, theo Emori nhận định.
Các hợp đồng tương lai giá dầu WTI đang trong trình trạng giảm bù hoãn bán. Bù hoãn bán, là tình trạng thị trường khi giá của một hợp đồng kỳ hạn hay một hợp đồng tương lai được giao dịch thấp hơn giá giao ngay được dự kiến khi hợp đồng đáo hạn. Điều này có nghĩa các hợp đồng giao càng xa ngày ký thì có giá thấp hơn giá hợp đồng hiện tại, do phản ánh thêm chi phí lưu trữ dầu.
“Cảm xúc thị trường giá lên tiếp tục hỗ trợ giá dầu thô khi nguồn cung toàn cầu vẫn hạn hẹp, tuy nhiên lợi nhuận của hợp đồng tương lai gần nhất của dầu WTI có thể vẫn hạn chế”, theo Toshitaka Tazawa, nhà phân tích thuộc Fujitomi Securities Co Ltd.
Nhu cầu dầu thô, trong khi đó vẫn đang tăng với thâm hụt khoảng từ 500.000 đến 750.000 thùng/ngày trên toàn thế giới. Cùng lúc đó có báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô tại Mỹ thấp hơn 6% so với mức trung bình 5 năm trong thời điểm hiện nay. Trong khi tồn kho dầu tại các quốc gia OECD thấp hơn 162 triệu thùng dưới mốc trung bình 5 năm tại thời điểm trước Covid-19. Điều này đã dẫn đến giá dầu thô tăng và đứng cao hơn 80 USD/thùng và có nhiều dự đoán giá dầu có thể vượt qua 100 USD/thùng.
Dự báo tăng giá thường xảy ra khi giá dầu tăng, tuy nhiên lần tăng lần này không phải là điều bình thường. Đà tăng giá lần này được kích hoạt do sự thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn năng lượng hóa thạch. Sự thực này đã đẩy cao lên sự cần thiết phải có sự tiếp cận của chính phủ các nước để chuyển đổi năng lượng, tuy nhiên điều này chưa xảy ra. Do vậy dẫn đến sự nghi ngờ của thị trường về sự quan tâm của chính phủ, dự báo giá vọt lên hơn 100 USD phản ánh điều này.
Đà tăng giá sẽ kéo dài bao lâu?
Hiện tại câu hỏi lớn nhất là thời gian tăng giá của dầu thô sẽ kéo dài bao lâu. Không có đà tăng giá nào kéo dài mãi mãi, theo tờ New York Times. Tuy nhiên hiện nay có 2 lời giải thích mà có thể quyết định triển vọng dài hạn của giá dầu. Một là đà tăng giá ngắn hạn hiện nay do các hoạt động trên thế giới tăng mạnh sau đại dịch. Hai là sự mất cân đối giữa tham vọng giảm khí thải và khả năng để hoàn thành tham vọng này.
Theo báo cáo mới nhất của UNEP, kế hoạch sản xuất của 15 hãng sản xuất dầu và khí lớn nhất thế giới đang đi ngược lại với mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Bằng cách nói khác, 15 ông lớn này đang tiếp tục đặt cược vào dầu và khí đốt, không liên quan đến các tham vọng giảm khí thải toàn cầu.