Sự 'trơ trẽn' của Bách Hóa Xanh
(DNTO) - Câu chuyện về sự tăng giá của Bách Hóa Xanh (BHX) chưa nguôi ngoai thì sáng nay, mạng xã hội lại dậy sóng khi xuất hiện lá thư ngỏ của BHX về việc đề nghị các đối tác cho thuê mặt bằng giảm 50% tiền thuê mặt bằng mỗi tháng cho hệ thống của họ.
Trong những ngày qua, con số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM tăng chóng mặt. Hệ thống chính trị cả nước nói chung và chính quyền TP.HCM nói riêng đang căng mình chống dịch với nhiều biện pháp để đưa TP.HCM vượt qua đại dịch này. Trong đó, ngày 9/7/2021 đã áp dụng CT16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP.HCM để công tác phòng chống dịch được tốt hơn. Ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo áp dụng CT16 đối với 19 tỉnh thành phía Nam (trong đó có TP.HCM) từ 0h ngày 19/7/2021, thời hạn 14 ngày, để chống dịch.
Theo tinh thần của CT16, các chợ truyền thống phải tạm đóng cửa, hệ thống Bách Hóa Xanh là 1 trong những đơn vị được thành phố cho phép kinh doanh các mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân trong thời gian này.
Đúng ra, Bách Hóa Xanh nên tận dụng ưu thế này, nỗ lực nhiều hơn trong việc phục vụ người dân để nâng tầm thương hiệu, giữ gìn hình ảnh của mình trong lòng người tiêu dùng. Nhưng tiếc thay, BHX, vì cái lợi trước mắt mà đã làm điều ngược lại. Hàng loạt mặt hàng thiết yếu bị đẩy giá tăng cao 1 cách vô tội vạ, cộng với thái độ phục vụ theo kiểu ban phát. Trên MXH, rất nhiều video clip về giá, về phục vụ, về tính sai giá trong hóa đơn… được đưa lên đã khiến nhiều người nổi giận.
Biện minh cho việc tăng giá tại hệ thống của hàng của mình, đại diện Bách Hóa Xanh khẳng định mặc dù không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh nhưng đơn vị này không thể giữ giá bán như trước do họ phải chịu nhiều chi phí về hệ thống kho bãi, vận chuyển, cung ứng, nhà cung cấp, nhân sự và cả chi phí bảo đảm an toàn cho người mua hàng. Thậm chí, trong buổi kiểm tra của lực lượng chức năng tại một cửa hàng của BHX ở TP. Thủ Đức ngày 16/7, ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc Bách hóa xanh cho rằng, nhiều người đến mua hàng rồi về nâng giá bán, khiến người dân bức xúc phản ánh hệ thống Bách Hóa Xanh bán giá hàng hóa cao trong mùa dịch.
Nhìn qua những siêu thị lớn khác như hệ thống Satramart, chuỗi Satrafoods, hệ thống siêu thị Co.opfood, Big C… họ đã chủ động nguồn hàng, thương lượng với đối tác, để luôn có nguồn hàng ổn định, tươi ngon và quan trọng là các hệ thống này đã không tăng giá trong mùa dịch này, đó là cách mà những hệ thống siêu thị lớn họ làm để giúp cho người dân trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Rõ ràng, nếu một CEO có tâm và tầm thì phải thấy doanh nghiệp mình may mắn khi CBCNV không mất việc làm, không mất đi nguồn thu nhập và phải thể hiện được trách nhiệm chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội, cụ thể là với người tiêu dùng đang khốn khó, lao đao vì miếng cơm, manh áo mùa dịch. BHX đang hứng chịu nhiều sự phản đối và làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng. Âu cũng là cái giá phải trả.