Đổi thương hiệu Big C thành Tops Market, CRC tham vọng tăng trưởng 10% giữa đại dịch Covid-19
(DNTO) - Đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số hơn 10% trong năm 2021 và sẵn sàng trả cổ tức 0,40 baht cho mỗi cổ phiếu, tập đoàn Central Retail Corporation (CRC, Thái Lan), quyết định tái định vị thương hiệu Big C tại Việt Nam Đại siêu thị GO! và Tops Market.
Tái định vị thương hiệu để khai thác tối đa tiềm năng thị trường?
Từ tháng 12/2020, hệ thống siêu thị Big C tái định vị thương hiệu thành Đại siêu thị GO! nhằm cải tiến trong không gian mua sắm, nâng cao chất lượng dịch vụ và mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm mới. Đầu năm 2021, 3 siêu thị Big C trong hệ thống Big C Việt Nam tại TP.HCM gồm: Big C Thảo Điền, Big C An Phú và Big C Âu Cơ được đổi tên thành Tops Market.
Theo ông Yol Phokasub, Giám đốc điều hành CRC, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ trong Quý 3 và 4/2020, nền kinh tế đã cho thấy sự phục hồi nhanh chóng hình chữ V. CRC công bố doanh thu 51,1 tỷ baht trong quý 4 năm 2020, với mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận đạt 1,1 tỷ baht. Năm 2020, tổng doanh thu đạt 194 tỷ baht (giảm 13%), trong khi lợi nhuận ròng là 341 triệu baht (giảm 97%).
Riêng thị trường Việt Nam, năm 2019, Central Retail mang về doanh số 27.650 triệu baht, tương đương gần 20.454 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018. Tăng trưởng doanh số trên mỗi siêu thị đạt 14%. Theo số liệu của Kantar Worldpanel, đến hết năm 2019, Big C chiếm 3,5% thị phần và là chuỗi siêu thị, đại siêu thị lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Ông Yol cho biết: "Năm nay sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức khác. Tuy nhiên, Central Retail sẽ giữ vững quyết tâm và tự tin có thể phát triển hoạt động kinh doanh với mức tăng trưởng hơn 10%. Thông qua khoản đầu tư trị giá 18 tỷ baht để củng cố hệ sinh thái của Central Retail, chúng tôi đang khẳng định lại vị trí dẫn đầu của mình trong ngành bán lẻ của người Thái”.
Trọng tâm chính của Central Retail tại Việt Nam là trung tâm mua sắm ẩm thực và phong cách sống theo thương hiệu Big C/GO!. Các hoạt động kinh doanh của công ty có mặt tại hơn 30 tỉnh thành với mục tiêu không ngừng mở rộng vì Việt Nam có tiềm năng phát triển phân khúc trung tâm ẩm thực và phong cách sống cao hơn Thái Lan.
Theo Bangkok Post cho biết tại thời điểm năm 2017, sự thất bại trong việc mua lại tài sản của Carrefour và thua trong thương vụ TCC tại Big C Thái Lan, đã thuyết phục Central Group khám phá các cơ hội bán lẻ tại Việt Nam. Đây là thị trường có tiềm năng khá lớn và 90% ngành vẫn là bán lẻ truyền thống, chỉ 10% thương mại hiện đại. Nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, người dân thu nhập ngày càng tăng và xu hướng đô thị hóa cao, giới trẻ có thích tiếp cận lối sống thành thị nên cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ rất lớn.
Big C, Tops Market vẫn là... bản sắc Thái
Trong câu chuyện thương hiệu dài tập của Tập đoàn Central Group, Big C và Tops Market ra đời và phát triển bởi những thương hiệu sát nhập và mua lại (M&A) của đại gia đình đương kim CEO Tos Chirathivat.
Tops Market hiện tại là thương hiệu nằm trong chuỗi bán lẻ Tops tại Thái Lan. Vào khoảng năm 1996, Tops là một phần của Tops Markets LLC (Mỹ), do Central Food Retail (CFR), một công ty con của Central Retail Corporation (CRC) thuộc Central Group vận hành. Ngoài Siêu thị Tops, một số chi nhánh được gọi là Tops Superstore, Tops Market, Tops Market Food & Wine, Tops Daily và Central Food Hall.
Trong khi đó, Big C (tên viết tắt của Big Central) là chuỗi đại siêu thị bán lẻ lớn thứ hai của Thái Lan có trụ sở chính tại Bangkok, Thái Lan, do tập đoàn Central Group thành lập năm 1993, ra mắt siêu thị lần đầu tiên tại Thái Lan vào năm 1994, có phạm vi hoạt động ở bốn quốc gia gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia.
Năm 1993, Central Group đã mở Central Superstore bán hàng tạp hóa từ Central Supermarket và quần áo thương hiệu cá nhân từ Central Department Store và Central Trading. Năm 1995, Save One Rangsit (tức Tops) được đổi thành Big C Supercenter và là cửa hàng đầu tiên của chuỗi bên ngoài Bangkok. Cùng năm, Central Superstore Company Limited đổi tên thành Big C Supercenter Public Company Limited (Big C Supercenter PCL).
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Big C Supercenter PCL đã thành lập một liên minh kinh doanh với Groupe Casino (Pháp), nổi tiếng với các cửa hàng Géant. Năm 1999, Groupe Casino mua 530 triệu cổ phiếu của Big C, trở thành cổ đông lớn nhất sau khi công ty tái cấp vốn. Sau khi nắm được cổ phần chi phối tại Big C, Groupe Casino đã bán mảng kinh doanh may mặc của Big C để tập trung vào hoạt động bán lẻ nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động.
Cuối năm 2003, Big C vào Việt Nam dưới tên gọi Cora thuộc sở hữu của Vindemia, do Groupe Casino đã nắm quyền kiểm soát nên tên gọi Big C Supercenter thường được sử dụng tại hệ thống Việt Nam. Năm 2016, Groupe Casino SA đã đồng ý bán cổ phần của mình tại Big C Thái Lan với giá 3,1 tỷ Euro (3,46 tỷ USD) cho tỷ phú Thái Lan, ông Charoen Sirivadhanabhakdi, tức tâp đoàn đối thủ TCC Group, chiếm 58,6% cổ phần của Casino tại Big C Thái Lan. Central Group mất vị thế trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Big C Thái Lan.
Cũng trong khoản thời gian đó, Central Group chiếm lĩnh tại thị trường Việt Nam trong thương vụ mua lại Big C từ tập đoàn Casino CASP.PA với giá 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) . Thỏa thuận này sẽ cho phép Central Group tiếp cận 43 cửa hàng của Big C tại Việt Nam và 30 trung tâm thương mại đạt doanh thu 586 triệu euro vào năm 2015 đánh dấu thương vụ mua lại lớn nhất ở nước ngoài của tập đoàn này.
Việc đổi tên hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam thành Go! và Tops Market có thể là một cuộc tái định vị để thương hiệu phù hợp với phân khúc thị trường bán lẻ tiềm năng này và đạt tham vọng tăng trưởng giữa đại dịch Covid-19 của tập đoàn CRC Thái Lan.